Kính thưa Quý vị đại biểu, các nhà khoa học,...

1. Giới thiệu khái quát về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập từ năm 1953. Là cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật. 

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là các tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn. Hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 42 đơn vị thuộc, trực thuộc, bao gồm 5 đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện, 33 Viện và Trung tâm nghiên cứu[1], 4 đơn vị sự nghiệp công lập khác (Học viện Khoa học xã hội; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; Nhà xuất bản Khoa học xã hội).

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hiện có 1.853 người, trong đó có 526 cán bộ có trình độ từ tiến sĩ trở lên (chiếm 29% lực lượng cán bộ của Viện) và gần 1000 thạc sĩ.

Nhiều Hội đồng ngành giáo sư cấp Nhà nước, các Hội nghiên cứu khoa học chuyên ngành quốc gia, các Hội đồng tư vấn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. 

2. Về công tác nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội được triển khai theo 4 khối: Khối khoa học xã hội; Khối khoa học nhân văn; Khối nghiên cứu quốc tế và Khối các viện khoa học xã hội vùng.

Đối với công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội luôn quan tâm hoàn thiện thể chế quản lý khoa học, từ khâu đề xuất nghiên cứu đến lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, đánh giá, nghiệm thu theo hướng chú trọng chất lượng và hiệu quả, ưu tiên các đề tài có giá trị khoa học và tính ứng dụng cao.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học hướng tới việc xã hội hóa kết quả nghiên cứu thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị đẩy mạnh việc huy động, khai thác các nguồn lực ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phục vụ nghiên cứu và đào tạo theo quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một trong những cơ quan tham gia chính vào việc xây dựng các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng tôi đã góp phần tích cực trong Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - xã hội của Đại hội.

Các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã luận giải sự cần thiết và tích cực đề xuất bổ sung khâu đột phá thứ tư về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò của lĩnh vực này trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với rất nhiều cơ hội và thách thức.

Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 của Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có phần đóng góp quan trọng trong dự thảo Chiến lược về một nội dung liên quan đến khoa học xã hội, đó là “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn”. 

Trải qua gần 70 năm trưởng thành và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc; đổi mới, cải cách mở cửa và thúc đẩy hội nhập toàn diện với thế giới.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có những đóng góp cơ bản trong việc tổng kết thực tiễn đổi mới của đất nước, làm rõ và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong văn kiện Đại hội lần thứ XII và XIII của Đảng; tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam;

Nghiên cứu việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, các vấn đề phát sinh khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030;

Tiếp tục nghiên cứu mô hình và giải pháp để phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, quan điểm giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, nghiên cứu mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, giữa nền kinh tế độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nghiên cứu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian vừa qua, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã cùng với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khác trong cả nước tham gia và đóng góp và khẳng định vai trò của khoa học xã hội đối với đất nước và đối với sự phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi nhận: “Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc”[2]. 

Bên cạnh những nghiên cứu, tư vấn chính sách trực tiếp cho Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn tích cực thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về khoa học xã hội hướng tới cộng đồng, xã hội. Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu đã và đang thực hiện gần đây bao gồm:

+ Chỉnh lý, bảo quản và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long: Đây là một chương trình nghiên cứu đa ngành về quần thể di tích lịch sử Thăng Long – Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử 13 thế kỷ, từ thời An Nam đô hộ phủ đến thời Đinh – Tiền Lê, Lý – Tiền Lê. Các di tích, di vật thu thập được từ dự án này chính là những bằng chứng thể hiện rõ nét cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như phản ánh sinh động về nhiều mặt của đời sống văn hoá – xã hội hoàng cung Thăng Long qua các thời đại.

+ Chương trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước: Đây là chương trình nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương của Việt Nam từ nay đến năm 2035, tầm nhìn 2045.

+ Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội tại địa phương: Mục tiêu của chương trình nhằm tư vấn chính sách, giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng; đảm bảo an sinh, công bằng, tiến bộ xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát triển nhanh và bền vững địa phương trong bối cảnh mới.

+ Các chuyên gia của Viện Hàn lâm cũng tham gia đóng góp vào việc xây dựng Bộ Lịch sử Việt Nam - bộ quốc sử chính thống cung cấp thông tin toàn diện và chuyên sâu về lịch sử quốc gia. Đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân...

+ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam: Đây là công trình nghiên cứu lớn, phản ánh những thành tựu, tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam. Bộ Bách khoa toàn thư gồm 37 tập, với hơn 70 chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, văn hóa nghệ thuật, tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ... Công trình này dự kiến sẽ quy tụ sự tham gia của 5.000-6.000 nhà khoa học trong vòng 10 năm.

+ Với vai trò cơ quan thuộc Chính phủ, hàng năm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến đối với hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương, tư vấn chính sách, góp ý xây dựng Chiến lược phát triển, đề án của một số địa phương.

3. Về hoạt động đào tạo

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ lâu đã là địa chỉ về đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội có uy tín trong cả nước. Kể từ năm 2010, Chính phủ cho phép thành lập Học viện Khoa học xã hội trên cơ sở thống nhất hoạt động đào tạo sau đại học của 17 Viện nghiên cứu, trong đó có 6 Viện có nhiệm vụ đào tạo cả hai trình độ là tiến sĩ và thạc sĩ. Học viện Khoa học xã hội có chức năng đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học xã hội, tư vấn về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao về khoa học xã hội.

Học viện Khoa học xã hội hiện có 21 khoa, 01 bộ môn và 02 trung tâm, với 459 giảng viên, trong đó có 15 GS, 121 PGS, 323 TS (là cán bộ của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm). Học viện có trụ sở chính tại Hà Nội, 3 cơ sở tại TP. Đà Nẵng, TP.Ban Mê Thuột và TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Học viện có 36 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 36 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo hơn 1.000 nghiên cứu sinh và hơn 2.000 học viên cao học, bao gồm cả các học viên cao học và nghiên cứu sinh quốc tế đến từ Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Kể từ thời điểm được thành lập đến nay,  Học viện đã và đang đào tạo 11.248 học viên cao học và 2.655 nghiên cứu sinh thuộc các ngành khoa học xã hội, trong đó có 1.679 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án - được nhận bằng tiến sĩ và 8.140 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn - được nhận bằng thạc sĩ. trong đó có nhiều người đã và đang đảm nhiệm những trọng trách, những vị trí cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

4. Về hoạt động xuất bản

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nhà xuất bản khoa học xã hội và có 46 tạp chí khoa học với 13 tạp chí tiếng Anh và 33 tạp chí tiếng Việt. Đây là hệ thống lớn nhất và phong phú nhất các tạp chí khoa học xã hội ở nước ta, trong đó nhiều tạp chí có vị thế đứng đầu các chuyên ngành trong danh mục Hội đồng giáo sư cấp nhà nước và được các học giả quốc tế đánh giá cao.

Nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi tri thức nghiên cứu với xã hội, Viện Hàn lâm đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển tài nguyên dữ liệu mở như cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, về kết quả nghiên cứu và tư vấn chính sách, về hồ sơ và các kết quả đào tạo, ... hình thành các hệ thống thông tin dữ liệu ổn định, đáng tin cậy, hoạt động hiệu quả, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Viện Hàn lâm, hướng tới cung cấp một số dịch vụ thông tin số ra cộng đồng, xã hội. 

5. Về hoạt động hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có quan hệ hợp tác nghiên cứu với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có đại diện tại vùng như Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, Lãnh đạo và các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ của nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Thanh Hoá, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Nam, Khánh Hoà, Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Hải Phòng, Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lào Cai…

Về hoạt động hợp tác quốc tế, đến nay Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ, trao đổi thông tin khoa học với hơn 50 nước và với nhiều tổ chức khoa học xã hội trên thế giới.

Trong 2 năm gần đây, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động đối ngoại của Viện Hàn lâm. Trong số 29 hội thảo, tọa đàm quốc tế trong năm 2020 thì chỉ có 3 hội thảo trực tiếp được tổ chức vào tháng 1/2020, các hội thảo còn lại đều tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Các hội thảo quốc tế này bao trùm các lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học, đến thông tin-thư viện và bảo tàng. Nhiều hội thảo trực tuyến đã thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả, chuyên giả quốc tế, có tầm ảnh hưởng khoa học quốc tế cao.

Đặc biệt tháng 10/2021, hội thảo Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề: "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 1000 học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo đã nhận được hơn 700 tham luận, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn.

Các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế trong năm qua cũng giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF). Quan hệ của Viện Hàn lâm với các cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại Việt Nam vẫn được duy trì thường xuyên.

Trong năm 2020, tính riêng Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã có 18 buổi tiếp và làm việc với Đại sứ các nước như Cuba, Maroc, Phần Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Phái đoàn EU, Trưởng đại diện JICA, Giám đốc AUF...

6. Đề xuất hợp tác và giải pháp phát triển

Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong bối cảnh tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, cách mạng công nghiệp 4.0, bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế và khu vực trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn.

Nhiều vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về sự phát triển của đất nước cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có những câu trả lời thoả đáng từ những người làm công tác khoa học xã hội nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần phải tiếp tục “tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có kế hoạch:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các Viện chuyên ngành tiếp tục tổ chức nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được Chính phủ phân công; xây dựng Chiến lược nghiên cứu đến năm 2030.

Các nghiên cứu tập trung triển khai thực hiện các nội dung của văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. 

Thứ hai, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Một mặt, các tiến bộ, thành quả phát triển của khoa học tự nhiên cần được ưu tiên chuyển giao, ứng dụng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người, các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trọng yếu.

Mặt khác, khoa học xã hội phải đóng vai trò định hướng, hỗ trợ cho sự phát triển của khoa học tự nhiên để tạo lập nền tảng phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ ba, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Bên cạnh việc tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế nhằm tăng số lượng và quy mô các nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội của doanh nghiệp, của xã hội.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành các mạng lưới nghiên cứu liên viện, liên ngành trong nước và quốc tế; liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu chính sách phục vụ sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, chuyển giao và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ; chủ động tìm kiếm những hướng đi mới, các chương trình, đề tài mới có tính gắn kết thực tiễn cao, đồng thời tạo môi trường trao đổi học thuật một cách thường xuyên để các nhà nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện năng lực nghiên cứu độc lập.

Thứ tư, tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những thành tựu phát triển, các giá trị văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại với cộng đồng thế giới; đồng thời, chọn lọc và tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của khoa học xã hội thế giới để phát triển hơn nữa nền khoa học xã hội nước nhà.

Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Cuối cùng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội cả về số lượng lẫn về chất lượng, đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước, tạo tiềm lực mạnh cho sự phát triển của khoa học xã hội trong thời gian tới, đồng thời góp phần đưa nền khoa học xã hội Việt Nam đạt trình độ tiến tiến, ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Học viện Khoa học xã hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và uy tín về hoạt động đào tạo sau đại học, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về khoa học xã hội trong cả nước.


[1] Viện Triết học; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Kinh tế Việt Nam; Viện Xã hội học; Viện Nghiên cứu Văn hóa; Viện Nghiên cứu Con người; Viện Tâm lý học; Viện Sử học; Viện Văn học; Viện Ngôn ngữ học; Viện Nghiên cứu Hán – Nôm; Viện Dân tộc học; Viện Khảo cổ học; Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Viện Nghiên cứu Kinh thành; Viện Địa lý nhân văn; Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Viện Nghiên cứu Châu Âu; Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; Viện Thông tin Khoa học xã hội; Trung tâm Phân tích và Dự báo; Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin.


[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội năm 2021, tr.63-64.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam