Hogewey thực chất là một viện dưỡng lão được xây dựng và đưa vào vận hành, hoạt động như một thị trấn nhỏ bình thường. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các 'cư dân' ở đây đều được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống camera giám sát khắp nơi từ siêu thị cho tới tiệm cắt tóc hay phòng khám răng.
Bởi lẽ, những 'cư dân' đặc biệt ở Hogewey đều là người cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Không giống như những viện dưỡng lão thông thường, nơi người bệnh dường như bị 'giam lỏng' trong những tòa nhà buồn tẻ, với dãy hành lang dài và sàn nhà bóng loáng. Cuộc sống của họ không có gì ngoài việc làm bạn với chiếc tivi trong phòng. Những người thành lập nên Hogewey đã cố gắng tạo ra một môi trường đáng sống cho những người già không nơi nương tựa này.
Người bệnh ở đây được sống trong những ngôi nhà chung, có rạp hát, cửa hàng tạp hóa, bưu điện, vườn cây và các câu lạc bộ. Mọi chủ cửa hàng, bồi bàn hay nha sĩ đều là các nhân viên của viện dưỡng lão này. Hiện Hogewey có khoảng 150 người bệnh và 250 nhân viên chăm sóc.
Ý tưởng thành lập Hogewey được Yvonne van Amerongen nảy ra khi cô đang làm nhân viên tại một viện dưỡng lão truyền thống của Hà Lan. Sau khi chứng kiến các viện dưỡng lão hoạt động như thế nào, van Amerongen đã cam kết rằng sẽ biến nơi đây trở nên dễ sống và ít nỗi buồn hơn cho những người cao tuổi. Van Amerongen nhận ra rằng điều quan trọng ở giai đoạn này của cuộc đời, ngoài việc được tiếp cận với phương pháp điều trị tốt nhất, còn là việc mang tới cho họ quyền tự do làm những điều mà họ thích làm. Cô đã hình dung ra việc xây nên một nơi bệnh nhân có thể sống một cuộc sống bình thường có sự hỗ trợ, giống như ở nhà. Ở đó, người già sẽ được tự do tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa đối với họ.
Khai trương vào năm 2009, viện dưỡng lão Hogewey gồm gần ba mươi dãy nhà hai tầng và các tiện ích khác nằm rải rác trong khuôn viên rộng 1.6 hecta. Mỗi ngôi nhà là nơi ở của sáu hoặc bảy 'cư dân' có chung quê và sở thích bên cạnh một hoặc hai người chăm sóc.
Các ngôi nhà được thiết kế độc đáo để phản ánh phong cách sống của từng nhóm người, chẳng hạn như danh sách nhạc được phát, thiết kế nội thất, thực đơn hay thậm chí cả phương pháp sắp xếp bàn ăn cũng được tùy biến riêng.
'Cư dân' ở đây tự chọn lịch trình ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Một số người có thể chọn dùng bữa tại các quán cà phê hay nhà hàng trong 'thị trấn'. Những người khác có thể chọn được phục vụ trong nhà. Hàng tháng, 'cư dân' được phát 'tiền' tượng trưng để sử dụng tại siêu thị hay tại các nhà hàng của Hogewey.
Mục tiêu của tất cả những hoạt động này là để duy trì cảm giác tự chủ như một người bình thường, một điều rất quan trọng trong việc chăm sóc người sa sút trí tuệ. Ngay cả những việc làm nhỏ nhất cũng có thể có ý nghĩa rất lớn đối với một số người.
Việc có một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện vô cùng có lợi đối với sức khỏe thể chất của người già. Những người dân tại Hogewey uống ít thuốc hơn, ăn ngon hơn, sống lâu hơn và vui vẻ hơn những người ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tiêu chuẩn khác.
Thành công của Hogewey đã truyền cảm hứng cho nhiều 'ngôi làng sa sút trí tuệ' khác trên khắp thế giới như ở Penetanguishene, ở Ontario (Canada) hay và một cơ sở khác gần Canterbury, ở Kent, Anh. Những ngôi làng này cũng là điểm đến của không ít du khách và các tình nguyện viên muốn tham quan cũng như giúp đỡ những người cao tuổi có cuộc sống ý nghĩa hơn.
Đỗ An (Tổng hợp)