Từ những nội dung tình tiết của bộ phim, nhiều người đã có cái nhìn thân thiện hơn về các Trung tâm/Viện dưỡng lão thay vì gọi với cái tên Trại dưỡng lão (ám chỉ sự “nuôi nhốt” tù túng với người cao tuổi).

Dàn diễn viên cao tuổi quy tụ

"Nơi giấc mơ tìm về" là bộ phim được nghệ sĩ Trịnh Lê Phong làm đạo diễn. Vốn khởi quay từ giữa tháng 12/2022 với tên gọi ban đầu là “Bà ngoại lắm chiêu”, nên ngay từ cái tên nhiều người đã nghĩ ngay tới sự xuất hiện của các “cao thủ” ở tuổi xế chiều.

Và đúng như dự đoán, bộ phim lấy cảm hứng từ những người cao tuổi, lên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) từ ngày 22/5 vào khung “giờ vàng” sau khi bộ phim “Khúc hát mặt trời” kết thúc. Những nghệ sĩ gạo cội xuất hiện như: NSND Trọng Trinh, NSND Lê Khanh; các NSƯT Tất Bình, Đỗ Kỷ cùng những gương mặt diễn viên trẻ đang được khán giả yêu mến như Việt Hoa, Trung Tuấn, Minh Thu, Lãnh Thanh...

Nhờ nội dung phim khá hiện đại kết hợp chút ngôn tình nên ngay từ những tập đầu của phim "Nơi giấc mơ tìm về", những drama đã đẩy theo các tuyến nhân vật một cách tự nhiên khiến người xem không khỏi thích thú. Nếu các NSND Lê Khanh và NSƯT Đỗ Kỷ - 2 tuyến nhân vật chính, đều là những gương mặt gạo cội ghi dấu ấn trong lòng khán giả với tính chất “gừng càng già càng cay” thì sự sôi nổi của dàn diễn viên trẻ lại là sự cân bằng, tiếp nối và tránh khô cứng.

Bài viết này không bàn nhiều về nội dung phim, chỉ xin nói sâu chút về hình ảnh các nhân vật cao tuổi - những diễn viên đình đám vào vai những người sống trong Viện dưỡng lão với những câu chuyện rất đời thường của họ. Ở tuyến nhân vật phụ này, những cảnh đời, những số phận, những câu chuyện của những ông bà hưu trí, “phải” vào viện dưỡng lão với muôn hình vạn trạng và sắc thái cảm xúc khiến người xem không khỏi bùi ngùi.

Chính các diễn viên gạo cội thuộc tuyến nhân vật phụ đã mang lại cảm giác an yên cho người xem, khi họ bước vào lứa tuổi nghỉ hưu và những nỗi lo thường trực đeo đuổi tuổi già. Ví dụ như chuyện ốm đau, lúc không người chăm sóc, điều kiện kinh tế của từng gia đình (dù rất giàu nhưng lại thích vào viện dưỡng lão cho có bạn) cho tới những xúc cảm của họ - những người tuy già nhưng tâm hồn tươi trẻ, cũng vẫn khát khao yêu đương, cũng hờn ghen và ích kỉ khi không được yêu.

"Ai cũng già, nhưng sống không được già"

7 canh phim.jpg
Một cảnh trong phim "Nơi giấc mơ tìm về". 

Phim "Nơi giấc mơ tìm về" cũng đánh dấu sự trở lại màn ảnh truyền hình của NSND Lê Khanh sau 5 năm theo đuổi dự án điện ảnh “Gái già lắm chiêu”, một số chương trình giải trí. NSND Lê Khanh cũng chia sẻ sẽ bỏ công sức, tâm huyết để đào tạo diễn viên trẻ. Cách đây 5 năm, NSND Lê Khanh đã tham gia phim truyền hình “Mẹ ơi bố đi đâu rồi”. Có thể nói những phim về người cao tuổi ở Việt Nam không nhiều và những nghệ sĩ vào vai để chạm tới cảm xúc người xem như Lê Khanh cũng không nhiều.

Trong phim “Nơi giấc mơ tìm về”, NSND Lê Khanh vào vai bà Lan, một người phụ nữ quyền lực, sống có trách nhiệm, yêu thương đứa cháu hết mực nhưng lại quá nguyên tắc, áp đặt, đôi khi gây ngột ngạt cho những người xung quanh và chính bản thân. Bà giao công ty cho cháu và vào Viện dưỡng lão để giúp đỡ những người sống ở đây... Trong Viện dưỡng lão, những cảnh sinh hoạt đời thường, những tình huống "éo le", những xúc cảm và tâm tư của người cao tuổi được khắc họa nhẹ nhàng với đủ các cung bậc cảm xúc: hỉ nộ ái ố, để rồi khán giả như vỡ òa với các nút thắt của từng nhân vật và câu chuyện của họ.

Về phần giới trẻ, diễn viên Lãnh Thanh (vào vai Gia An) - cháu bà Lan, từ chỗ không ưa thích sự sắp xếp của bà đã dần dần thích ứng, xử lý tốt công việc, giải tỏa được những rắc rối với bà. Những diễn viên trẻ này cũng đại diện cho thế hệ mới khi phải "đối mặt" với những người cao tuổi, những xung đột thế hệ/suy nghĩ, những khác biệt về quan niệm sống/trách nhiệm, những "ràng buộc" trong các mối quan hệ gia đình mà mỗi thế hệ đều có những quan điểm và cách thức giải quyết khác nhau.

Quay lại chủ đề Viện dưỡng lão, người xem đã bớt "sợ" hơn về những nơi mà vốn trước đây nhiều người luôn coi đó như các "trại" nuôi nhốt người già. Hãy lấy nhân vật được NSND Trọng Trinh đảm nhiệm (vai ông Sang), là một trong bốn người sống trong trại dưỡng lão (Sang, Chấn, Tâm, Lý - ngay 4 cái tên của các nhân vật người cao tuổi đã gây cười và khiến khán giả nhiều phen nghiêng ngả với các cụ "già nhưng sống không già"). Nhân vật ông Sang có chất hài hước, vui vẻ, đã mang lại nhiều điều thú vị cho khán giả yêu thích xem phim truyền hình Việt Nam.

Có thể nói “Nơi giấc mơ tìm về” với các tình huống, câu chuyện nhỏ về mâu thuẫn giữa các thế hệ; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình để mỗi khán giả có thể tìm thấy những điều quen thuộc... Đặc biệt, khi xem phim mỗi chúng ta có thêm sự thấu cảm và chia sẻ hơn với người cao tuổi - lứa tuổi đã dành cả thanh xuân hi sinh và cống hiến, giờ đây muốn được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bộ phim "Nơi giấc mơ tìm về" đã truyền tải nhiều thông điệp rất đời nhưng cũng vô cùng ấm áp tới khán giả.

Giao Linh và nhóm PV, BTV