Bữa ăn thừa lượng, thiếu chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt đang ăn thịt nhiều gấp đôi so với mức khuyến nghị. Cụ thể, trung bình một người tiêu thụ 134 gram thịt/ngày, trong khi con số Tổ chức Phòng chống Ung thư Thế giới đưa ra không vượt quá 70 gram/ngày.
Đáng chú ý là song song với tiêu thụ thừa thịt, người Việt còn đang có xu hướng… ngại ăn rau. Chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả theo Tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (3-4 đơn vị rau và 3 đơn vị quả/ngày, mỗi đơn vị là 80 gram). Trong đó, tỷ lệ người dân ăn thiếu rau, trái cây ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng mà cụ thể là bữa ăn nhiều thịt, ít rau và thừa chất béo của người Việt đang ngày một phổ biến. Thiếu hụt rau trong chế độ ăn, loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng đặc biệt quan trọng là một sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải và kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Một chế độ ăn quá nhiều thịt không cung cấp đủ chất xơ và vitamin cho cơ thể. Thiếu chất xơ gây ra táo bón, giảm tốc độ của quá trình thải chất độc và chất béo thừa ra khỏi cơ thể; trong khi thiếu vitamin lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, gây chậm phát triển, suy yếu hệ miễn dịch. Tăng cường rau quả và thực đơn hàng ngày được xem là biện pháp tích cực nhằm cải thiện thiếu vi chất, phòng chống thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm.
Bổ sung đủ và đa dạng loại rau vào mỗi bữa ăn hàng ngày sẽ mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, tạo nền tảng để trẻ phát triển toàn diện |
Nguyên tắc ăn rau đúng cách
Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, ngoài ăn đủ theo mức khuyến nghị, ăn rau đúng cách không chỉ đơn giản là ăn theo khẩu phần mà còn cần ăn đa dạng nhiều loại rau. Vì mỗi loại rau củ quả lại chứa hàm lượng dưỡng chất khác nhau, chúng ta cần ăn phong phú để đảm bảo cơ thể hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng.
Chẳng hạn, các loại rau xanh và quả họ cam quýt rất giàu vitamin C. Một số quả có màu vàng như bí đỏ, gấc, đu đủ hoặc các loại rau lá màu xanh thẫm như rau ngót, cải bó xôi lại chứa nhiều beta-caroten và chất sắt. Các loại rau gia vị như tía tô, rau mùi, thìa là… cung cấp nguồn kháng sinh thực vật dồi dào, đồng thời được sử dụng tươi sống, dinh dưỡng không bị thất thoát qua chế biến nên giá trị sử dụng vitamin rất cao.
Chính vì thế, phân loại rau củ quả thành các nhóm đa dạng như nhóm rau xanh, nhóm măng, nhóm họ dưa, các loại cây có rễ, cây họ củ, hay phân loại rau theo màu… là một cách nhằm tăng cường sự phong phú cho thực đơn hàng ngày.
Bổ sung nhiều loại rau quả khác nhau vào bữa cơm nhà để tăng cường chất xơ một cách khoa học |
Đa số trẻ em không thích ăn rau nên trẻ cũng thuộc nhóm đối tượng rất dễ thiếu chất xơ. Để bổ sung chất xơ khoa học cho trẻ, phụ huynh cần ghi nhớ nguyên tắc 4-3-2, theo đó mỗi ngày trẻ cần ăn 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt, và 2 loại quả mỗi ngày. Nguyên tắc 4-3-2 dễ nhớ chính là giải pháp giúp phụ huynh xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và bài bản hơn, đầy đủ rau cho cả nhà.
Tìm hiểu thêm về nguyên tắc 4-3-2 qua bài ca rau củ “Cơm nhà đủ rau nuôi tương lai muôn màu”
Là thương hiệu gắn liền những bữa cơm nhà tròn vị và đủ chất, Knorr mong muốn đồng hành cùng phụ huynh xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, bắt đầu từ những bước đơn giản như ăn đầy đủ rau củ mỗi ngày. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm về nguyên tắc 4-3-2, những kiến thức dinh dưỡng và nhiều công thức nấu ăn mới lạ, dễ làm tại webiste https://bit.ly/ComNhaDuRau
Với lợi thế từ nguồn rau quả nhiệt đới đa dạng, gia tăng khẩu phần rau quả theo đúng khuyến nghị trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt là việc nằm trong tầm tay. Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng có thể được bắt đầu từ cân đối lượng rau quả trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Đây là nền tảng giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống khoa học từ nhỏ và là nền tảng cho sức khoẻ cùng sự phát triển lâu dài của trẻ.
Kim Phượng