Cuộc họp diễn ra vào chiều 14/12 với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Tài chính, Tổ chức cán bộ, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Pháp chế, Kế hoạch - Đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông cùng lãnh đạo Trung tâm, các phòng tham mưu và các Giám đốc Trung tâm khu vực I, II, III, IV.
Theo báo cáo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam trong năm 2023, dù có những khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan quản lý cấp trên đã tạo điều kiện cho Trung tâm vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trung tâm không ngừng đổi mới hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết quả, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 12/12/2023, Trung tâm đã trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm; chủ trì, tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tổng số thông tin báo nạn thu nhận được là 270 vụ việc, trong đó: báo nạn thật: 241 vụ, chiếm 89,25%; báo nạn giả: 29 vụ, chiếm 10,75%.
Cũng trong thời gian này, Trung tâm đã điều động 36 lượt phương tiện SAR tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tổng số người được cứu và hỗ trợ là 859 người (839 người Việt Nam, 20 người nước ngoài). So với cùng kỳ năm 2022, tổng số vụ việc báo nạn thật tăng 10,5%, tổng số lượt điều động tàu SAR của Trung tâm đi tìm kiếm cứu nạn trên biển giảm 21,7%.
Về hoạt động xử lý thông tin báo nạn tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, đại diện Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải cho biết đơn vị thu nhận là 34 vụ thông tin báo nạn với 6 lượt điều động phương tiện tham gia ứng cứu. Kết quả, đã có 273 người được cứu sống với 9 tàu được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam Bùi Văn Minh cũng báo cáo với lãnh đạo Bộ những khó khăn vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, ông Minh cũng kiến nghị Bộ quan tâm xem xét, giải quyết về việc ban hành định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với những nhiệm vụ thường xuyên mang tính đặc thù; chính sách tiền lương đối với tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
Đặc biệt ông Minh cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế chính sách tiền lương đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Bởi trên thực tế, lực lượng này làm việc trong môi trường nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sau khi nghe Tổng Giám đốc Trung tâm báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và đề xuất, kiến nghị trong triển khai nhiệm vụ năm 2024, thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ghi nhận những nỗ lực cố gắng của toàn thể viên chức, thuyền viên Trung tâm đã đạt được trong năm 2023, đánh giá cao vai trò của Trung tâm trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của Trung tâm, Thứ trưởng yêu cầu Trung tâm cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, bám sát chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT để đảm bảo tiến độ trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đề nghị các Vụ và Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục hỗ trợ giúp Trung tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) được thành lập ngày 2/10/1996 theo Quyết định số 2628 QĐ/TCCB-LĐ của Bộ trưởng Giao thông vận tải và được quy định lại về tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1252/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2023 của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Là đơn vị sự nghiệp nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, được Nhà nước giao thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối, tham gia các hoạt động hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển với các quốc gia và tổ chức quốc tế theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thừa nhận.