LỜI TÒA SOẠN

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là một trong những nội dung trọng tâm, cấp thiết của công tác quân sự, quốc phòng trong nhiệm kỳ này, nhằm tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức lực lượng trong toàn quân được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp, tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Báo VietNamNet thực hiện loạt bài: Quân đội tinh, gọn, mạnh tiến lên hiện đại - Tầm nhìn, tư duy chiến lược.

Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, nhất quán chủ trương này, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, nhân dân và chế độ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. VietNamNet phỏng vấn Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về nội dung này.

Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội thời gian qua được triển khai mạnh mẽ, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mới đây sáp nhập và tổ chức lại Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật thuộc BĐBP. Xin Trung tướng cho biết rõ hơn về việc sắp xếp, tổ chức biên chế mới này?

Trung tướng Lê Đức Thái: Chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là một tất yếu khách quan, là nhiệm vụ hệ trọng, cấp thiết, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, nhất quán chủ trương trên và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là mới đây, thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, sáp nhập lực lượng hậu cần - kỹ thuật theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức biên chế Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã quyết liệt chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tổ chức triển khai sáp nhập Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật thuộc BĐBP đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đi vào hoạt động có nền nếp. 

Việc sáp nhập được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên. Cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên hai đơn vị được sáp nhập đều có sự thống nhất nhận thức, đồng thuận từ trên xuống dưới, xây dựng quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ngay sau khi sáp nhập vào ngày 31/10, Cục Hậu cần - Kỹ thuật đã nhanh chóng ổn định, kiện toàn tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy và các đoàn thể, xây dựng các quy chế, quy định, triển khai hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác; chức trách, nhiệm vụ các chức danh của cơ quan hậu cần - kỹ thuật trong BĐBP phù hợp với tổ chức biên chế mới; tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm xây dựng Đảng bộ Cục Hậu cần - Kỹ thuật trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”.

Cùng với toàn quân, lực lượng BĐBP cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề nghị Trung tướng cho biết Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP có những chủ trương, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả nội dung này?

Trung tướng Lê Đức Thái: Trước bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình thực tiễn khu vực biên giới đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, lực lượng BĐBP đã và đang tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản.

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng; xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm nội bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia bằng những hoạt động cụ thể, với nhiều hình thức, phương pháp, cách làm hiệu quả.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương có liên quan quy hoạch, mở nâng cấp cửa khẩu, quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số; xây dựng chính phủ điện tử, từng bước chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ của BĐBP.

Hai là, xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, cán bộ và tổ chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP lần thứ 15; chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Bên cạnh đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.  

Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo”, trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh và hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đồn, trạm biên phòng, cửa khẩu, công trình bảo vệ biên giới, công trình chiến đấu liên hoàn, đồng bộ, khép kín, kiên cố, vững chắc, bảo đảm đủ khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng thủ trong mọi tình huống.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ biên phòng, xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch và cán bộ đồn biên phòng; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo tại học viện, nhà trường và tại đơn vị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đầu tư xây dựng Học viện Biên phòng theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Năm là, đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần - kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ công tác biên phòng. Chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện hiện đại, đảm bảo cho hoạt động của BĐBP. Ưu tiên đầu tư đồng bộ trang bị, phương tiện nghiệp vụ quản lý, bảo vệ biên giới, nhất là các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý, kiểm soát cửa khẩu, trinh sát kỹ thuật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, thông tin, phương tiện tuần tra, kiểm soát…

Năm 2024, các chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng các nước Trung Quốc, Lào được tổ chức rất thành công, góp phần thúc đầy quan hệ hợp tác quốc phòng nói riêng và quan hệ tổng thể giữa Việt Nam với các nước nói chung. Trung tướng đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động này đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP?

Trung tướng Lê Đức Thái: Những năm qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, chặt chẽ, có chiều sâu, thực chất và hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, trở thành điểm sáng trong quan hệ đối ngoại quốc phòng.

Đặc biệt năm 2024, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng phục vụ tổ chức thành công “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 8, “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào” lần thứ 2… Hoạt động này đã trở thành sự kiện chính trị - quân sự thường niên, ý nghĩa tại khu vực biên giới.

Sau mỗi lần Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới, có thể nói, sự hợp tác giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng có những bước đột phá mới. Cơ chế hợp tác giữa hai bên ngày càng được phát triển hoàn thiện; hoạt động phối hợp quản lý và bảo vệ biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu ngày càng hiệu quả; đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu.

Kết quả hợp tác giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng cho thấy sự đồng thuận, chân thành, tinh thần trách nhiệm của hai bên đối với việc vun đắp quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Campuchia, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Là một lực lượng gắn bó mật thiết với nhân dân, BĐBP có nhiều mô hình, hoạt động, chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, lan toả sâu rộng trong xã hội. Xin Trung tướng chia sẻ thêm về vấn đề này?

Trung tướng Lê Đức Thái: Nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện và “thế trận lòng dân” vững chắc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định cần kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và là sự tri ân của BĐBP với đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp triển khai 23 chương trình, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu trong số đó là:

Chương trình “Mái ấm biên cương” xây tặng trên 10.000 căn nhà và hàng trăm công trình dân sinh trị giá gần 1.000 tỷ đồng; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” đã trao hơn 30.000 con bò với tổng trị giá hơn 400 tỷ đồng; Chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương” huy động gần 300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho phụ nữ khu vực biên giới...

Phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” đã giúp đỡ hàng nghìn thôn, bản, hàng trăm xã biên giới; Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” từ năm 2016 đến nay đã huy động trên 200 tỷ đồng chăm lo Tết cho đồng bào nghèo vùng biên.

Một số các chương trình, mô hình như “Vì những con tàu xa khơi”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; “Thầy giáo quân hàm xanh”; “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Biên cương đêm hội trăng rằm”... cũng đạt hiệu quả cao, có sức lan toả rộng khắp, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận.

Đặc biệt, chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” được triển khai gần 10 năm qua đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ hơn 30.000 lượt học sinh với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng. Trong đó, có 701 lượt học sinh Lào, 896 lượt học sinh Campuchia. Đến nay đã có khoảng 800 cháu trong chương trình tốt nghiệp PTTH và 383 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Chương trình đã được Bộ Quốc phòng nâng cấp, triển khai trong toàn quân với Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Điểm nổi bật nữa là những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy biên giới chỉ định 192 cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện; 456 cán bộ chiến sĩ tham gia cấp ủy cấp xã, phường, thị trấn biên giới; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của 321 đồng chí cán bộ tăng cường xã; giới thiệu 2.550 đảng viên là cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản; phân công 9.661 đảng viên phụ trách 47.247 hộ gia đình, trực tiếp giúp đỡ bà con xóa đói, giảm nghèo.

Các đơn vị cũng đã lựa chọn và bồi dưỡng chiến sĩ biên phòng để tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương...

Qua đó góp phần củng cố cơ sở chính trị, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới.

Xin trân trọng cảm ơn Tư lệnh!

Ảnh: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, VietNamNet