Năm 2019 phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm đạt cao nhất
Tại phiên họp toàn thể thứ 17 hôm 6/5, bàn về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2019, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Ủy ban ghi nhận kết quả năm 2019 việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm đạt cao nhất, số tham gia của năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 cao bằng 10 năm thực hiện chính sách này; đồng thời tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng giảm, đây là một xu hướng tích cực.
Bởi khi đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT không ngừng gia tăng, sẽ kéo nguồn thu các quỹ cũng không ngừng tăng lên.
Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm đang chặt chẽ hơn, thận trọng hơn. Ảnh minh họa |
Theo số liệu được công bố đối tượng tham gia BHXH năm 2010 là 9,582 triệu người, năm 2015 là 12,29 triệu người và đến cuối năm 2019 là trên 15,7 triệu người, theo đó là số thu BHXH các năm tăng tương ứng: năm 2010 là 49.914 tỷ đồng, năm 2015 là 148.375 tỷ đồng và đến năm 2019 khoảng 250.000 tỷ đồng, tăng 5,18 lần so với năm 2010.
Đối tượng tham gia BHYT năm 2010 là 57,11 triệu người, năm 2015 là 68,205 triệu người và đến cuối năm 2019 là 85,4 triệu người; số thu BHYT tăng tương ứng: năm 2010 là 25.540 tỷ đồng, năm 2015 là 59.669 tỷ đồng và đến năm 2019 là hơn 100.000 tỷ đồng, tăng 3,93 lần so với năm 2010. Nhờ vậy, quy mô các quỹ tăng nhanh qua các năm, đến cuối năm 2019, quy mô 3 quỹ tương đương khoảng 13,9% GDP và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn Ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu BHXH tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu BHTN đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu BHYT đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004).
Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).
“Việc cải cách thủ tục hành chính và công nghệ thông tin được thực hiện tốt, tiếp tục giảm thêm thủ tục hành chính; biên chế bộ máy đã giảm so với năm 2019. Quỹ Bảo hiểm xã hội và các quỹ thành phần đều kết dư trừ Quỹ Ốm đau thai sản”, ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp toàn thế thứ 17 của Ủy ban, sau khi nghe đại diện Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2019.
Cụ thể như việc xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp kéo dài, trong đó doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phải tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý; cơ chế xây dựng chính sách phối hợp quản lý điều hành vẫn còn một số nội dung chưa được thống nhất cao; Quỹ Ốm đau thai sản chi khá cao.
Một số thành viên Ủy ban cho rằng, vẫn còn tình trạng người có thẻ BHYT gia đình khi đi khám bệnh lại không được ưu tiên bằng những người bỏ tiền mặt ra để khám chữa bệnh, do đó đề nghị bảo hiểm xã hội địa phương phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh khắc phục tình trạng này.
Đề cao trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, xét về tổng quát có thể thấy việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm trong những năm nay được đề cao trách nhiệm, công tác quản lý chặt chẽ hơn, thận trọng hơn, duy trì theo hướng vừa bảo toàn sự bền vững của quỹ, sử dụng theo hướng trái phiếu của Chính phủ và cho nhà nước vay.
“Năm 2019, chúng ta đã phát triển lực lượng bảo hiểm bắt buộc tăng lên, hiện nay là trên 32%. Tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, hạn chế như tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm, thu hồi chi bảo hiểm thất nghiệp sai, chậm, kết dư một số quỹ quá lớn, chủ yếu là quỹ ngắn hạn như Quỹ Thất nghiệp… Vấn đề này sẽ được các Bộ, ngành tiếp tục khắc phục trong thời gian tới”, người đứng đầu bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết.
Kết thúc phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận, thành viên Ủy ban đánh giá cao Chính phủ, Bộ, ngành trong năm qua đã làm tốt một số nội dung về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; tuy nhiên đề nghị cần nhìn nhận rõ một số hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, dự báo những khó khăn thách thức trong năm 2020 để đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp;
“Ủy ban luôn đồng hành với Chính phủ, các Bộ, ngành trong trong việc xử lý những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh phát biểu.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Xuân An
Ảnh: Nguyễn Lan Anh