LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet xin giới thiệu cùng độc giả những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc ngày 10/5/1965, khi Người ở tuổi 75. Sau đó, hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật, Người lại tiếp tục bổ sung, sửa chữa để có bản Di chúc hoàn chỉnh vào năm 1969.
Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến một vấn đề trọng yếu được Bác Hồ đặt lên hàng đầu trong Di chúc: “trước hết nói về Đảng”. Bản Di chúc năm 1969 nói rộng hơn những vấn đề về Đảng, chứ không chỉ dừng ở “chỉnh đốn” như bản năm 1968. Bác đề cập đến 3 vấn đề lớn trong Đảng.
Bác viết, “cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết là vấn đề rất lớn, mọi biểu hiện của sự chia rẽ, bè phái, kéo bè kéo cánh, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu phải được kiên quyết xử lý cho triệt để.
Thứ hai, Bác dặn dò việc thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Phê và tự phê không chỉ là sinh hoạt chi bộ, là sửa chữa những khuyết điểm cụ thể của cán bộ, đảng viên, mà còn là sửa những sai lầm, nguy cơ trong Đảng, như nguy cơ sai lầm đường lối, quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí...
Ví dụ, Đại hội Đảng VI năm 1986 là một cuộc tự phê bình nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm trước đó, để đề ra đường lối đổi mới.
Sau Đại hội VI, có thời kỳ điều này được thực hành còn nặng tính hình thức và chưa đến nơi đến chốn. Ví dụ việc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999 được chỉ đạo rất quyết liệt nhưng triển khai chưa triệt để dẫn đến những tiêu cực, sai lầm mà đến sau này Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) đã nhìn nhận có “những sai lầm tồn đọng nhiều nhiệm kỳ”.
Khách tham quan triển lãm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Thứ 3 là vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên. Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Điều hết sức quan trọng ấy có lúc sau này chúng ta đã lơ là, vì thế mà có những người trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc là anh hùng, nhưng khi hòa bình lại trở thành tội phạm vì đã không kiềm chế được trước những cám dỗ vật chất, vun vén trục lợi riêng, buông lỏng bản thân, tự cho mình có quyền này quyền nọ.
Ngay từ năm 1927, trong cuốn Đường Kách mệnh, Bác Hồ đưa ra 23 tiêu chuẩn của tư cách người cách mạng, trong đó có tiêu chuẩn: phải ít lòng ham muốn vật chất.
Con người ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, ai cũng muốn sung sướng, đó là nhu cầu chính đáng, không ai làm cách mạng để rồi cứ khổ mãi. Nhưng trong khi dân còn đói nghèo, thất học, trẻ em đi học còn không đủ no, không có giày dép, áo ấm mà cán bộ lãnh đạo lại cứ phè phỡn, ung dung, hưởng thụ như ông hoàng bà chúa, khoe khoang sự giàu có thì phản cảm lắm và làm sao dân người ta tin được.
Sinh thời, Bác luôn nhắc “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Là cán bộ lãnh đạo thì việc nêu gương là đương nhiên, nó vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý dân tộc. Xưa nay trong gia đình, ông bà bố mẹ phải nêu gương trước con cháu, trong làng xã, người già, người cao tuổi phải nêu gương trước những người trẻ tuổi, trong họ tộc người có vị trí cao phải nêu gương với các thành viên...
Nhưng đạo lý đó nhiều khi bị nhận thức và thực hành không rõ, hoặc chỉ ra vẻ hình thức, phong trào, nói một đằng làm một nẻo, không đi vào bản chất. Có thời người ta từng có câu hơi bôi bác, nôm na là “cuốc xẻng từ dưới phân lên; đường sữa từ trên phát xuống”, rồi “Nhân dân làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe”, “Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân”.
Làm sao để nêu gương?
Để việc nêu gương trở nên mạnh mẽ, đúng thực chất, cần có một nhóm giải pháp toàn diện.
Thứ nhất, phải thực hiện việc giáo dục trong Đảng tốt mà trước hết là giáo dục đạo đức, lý tưởng, trách nhiệm. Theo tôi, giáo dục vẫn phải đặt lên hàng đầu. Trong Đảng hay xã hội mà lơ là giáo dục sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu.
Thứ 2 là phải xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, chứ cứ lỏng lẻo thì những cái xấu có điều kiện trỗi dậy. Kỷ luật trong Đảng hiện nay có lúc chưa thực sự nghiêm, chúng ta đã xử lý không ít vụ việc để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo nhưng cần nghiêm khắc hơn nữa.
Nói kỷ luật không phải là nói chung chung. Trước hết là kỷ luật trong công việc, anh phải hoàn thành xuất sắc công việc được giao, nếu không sẽ chịu hình thức xử lý, kỷ luật. Chứ cứ cào bằng, làm đúng cũng không ai ghi nhận, làm sai thậm chí làm bậy làm hỏng thì cũng không bị xử lý, chỉ “rút kinh nghiệm” thì không được. Cần thi hành kỷ luật Đảng nghiêm và nếu cần thì xử lý trước pháp luật.
Tiếp đến là xiết chặt kỷ luật trong phát ngôn để đảm bảo sự thống nhất, nhận thức trong Đảng, trong Nhà nước, đồng thuận trong xã hội, chứ không thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Giờ không ít cán bộ của ta phát ngôn thiếu chuẩn mực, như câu chuyện gọi “trạm thu phí”, “trạm thu giá” rồi lại “trạm thu tiền” cho thấy trình độ cán bộ kém quá.
Tiếp nữa là kỷ luật trong đạo đức, lối sống, trong tinh thần trách nhiệm trước dân trước nước. Rồi kỷ luật trong việc xây dựng chế độ, xây dựng Đảng, Nhà nước ra sao, cán bộ phải có trách nhiệm tham gia chứ không được thờ ơ, coi như việc của ai.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968 và 1969. Ảnh tư liệu/ QĐND |
Thứ 3 là xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ, tiền lương cho cán bộ đảng viên phù hợp. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (năm 2017) cũng đã bàn vấn đề gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương.
Tất nhiên không phải cứ lương cao thì mọi việc sẽ tốt đẹp nhưng đồng lương quá bèo bọt sẽ thúc đẩy người ta tìm cách này cách khác xoay sở. Hiện nay việc chống tham nhũng vặt là rất khó khăn.
Thứ 4 là việc kiểm tra giám sát của nhân dân, của các đoàn thể nếu làm tốt sẽ đẩy lùi những tiêu cực. Ta đã có cơ chế dân chủ cơ sở giờ đã thành pháp lệnh được thực hiện tốt, cần tiếp tục phát huy. Giám sát là rất cần thiết và gắn liền với đó là cải cách tư pháp, đặc biệt là cải cách hành chính.
Nhưng xét đến cùng, mỗi cán bộ đảng viên phải tự tu dưỡng vẫn là điều căn cốt nhất. Nếu có được điều đó thì dù có phạm sai lầm cũng có thể tỉnh ngộ, sửa chữa. Các thế hệ cách mạng trước đây tự tu dưỡng nghiêm khắc chứ mấy người được tiếp nhận sự giáo dục một cách đầy đủ, bài bản, trường lớp nghiêm chỉnh.
Phần lớn những trường hợp suy thoái vừa rồi là do thiếu tự tu dưỡng, tự tung tự tác cho mình quyền nọ quyền kia. Bên cạnh việc chịu cơ chế kiểm soát quyền lực thì chính mỗi người phải tự hiểu quyền của mình đến đâu.
Trong Di chúc bản năm 1968, lường trước những cái xộc xệch, chệch choạc cần chỉnh đốn lại cho vuông vắn ngay thẳng, Bác nhấn mạnh “ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi” thì “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Bác gọi cuộc đấu tranh chống lại những cái “cũ kỹ, hư hỏng” là “cuộc chiến đấu khổng lồ”.
Năm nay kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta có thể vui mừng báo công với Người về những điều đã làm được, nhưng cũng phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những điều chưa làm tốt, những cái “cũ kỹ, hư hỏng” chưa được sửa chữa kịp thời!
Mỹ Hòa (ghi)
“Người dân muốn nói mà lại bịt mồm người ta thì ai nói được”
- “Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của Đảng cầm quyền.