Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, dự án nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc từ Trung ương đến cơ sở.
Công tác bảo tồn văn hóa cũng được các địa phương chú trọng và lồng ghép việc phát triển du lịch. Nhiều lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi dân gian, dân vũ của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng. Các địa phương cũng mở nhiều lớp truyền dạy, dân ca, dân vũ... Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn và đòi hỏi công tác bảo tồn văn hóa phải được đẩy mạnh hơn nữa, làm bài bản từ cấp trung ương đến địa phương.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch tổ chức 7 chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một tại Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên và Nghệ An.
Kế hoạch nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Thông qua đó phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, và Nghệ An.
Hoạt động này cũng góp phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thanh niên (lớp trẻ) qua các hoạt động đa dạng như sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy nghề truyền thống, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Chương trình hướng tới nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, chỉ có 5,5% người dân tộc thiểu số biết sử dụng nhạc cụ truyền thống. Trong 53 dân tộc thì Ba Na có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cao nhất 19,3%. Chỉ có 5 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình trên 10%. Trong khi có tới 35 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình dưới 5%. Một số dân tộc chỉ còn dưới 10 người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như Chứt, Si La, Ngái.
Theo thống kê, chỉ còn 13% người dân tộc thiểu số biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Rơ Măm là dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc tốt nhất nhưng cũng chỉ có 48% dân số biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc. Đáng tiếc là chỉ còn 5 dân tộc có tỷ lệ người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình trên 30% (Cơ Tu, Lào, Ba Na, Khmer, Rơ Măm). Trong khi đó, có tới 31 dân tộc có tỷ lệ người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình dưới 10%, đặc biệt 17 dân tộc có tỷ lệ này dưới 5%. Dân tộc Ngái chỉ còn 4 người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
Tỉ lệ người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình cũng rất thấp 13,6%. Khmer, Ba Na, Chăm, Cơ Tu, Pà Thẻn là 5 dân tộc có tỷ lệ người dân biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình từ 20% trở lên. Có tới 31 dân tộc có tỷ lệ người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình dưới 10%. 9 dân tộc có tỷ lệ này dưới 5%. Cá biệt, dân tộc Ngái chỉ còn 9 người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình.
Rõ ràng, việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số là rất cấp thiết.
Nguyễn Thảo, Lê Thúy, Thu Hà, Duy Linh, Mai Hương