Theo The Drive, trong ngày 13/1, một đoạn video ghi lại cảnh quân đội Việt Nam sử dụng máy bay điều khiển từ xa (RC) để huấn luyện đã thu hút rất nhiều sự chú ý trên các mạng xã hội.
Trong đoạn video, một sĩ quan Việt Nam đã nâng chiếc máy bay RC lên cao trong khi chờ động cơ khởi động. Sau khi đã sẵn sàng và đủ điều kiện để cất cánh, máy bay được lao về phía trước rồi vọt lên không trung. Có 3 chiếc máy bay RC xuất hiện trong đoạn video này, chúng được sơn màu sắc khác nhau và mô phỏng theo 2 mẫu tiêm kích Su-27 và Su-30.
Trên thực tế, từ năm 2021 đã có một số đoạn video ghi lại cảnh quân đội Việt Nam sử dụng máy bay RC để tập luyện được chia sẻ trên các mạng xã hội.
Theo trang The Drive, việc sử dụng máy bay RC giúp cho các cuộc tập trận quy mô nhỏ trở nên chân thực hơn mà không cần phải triển khai tiêm kích thực thụ. So với chi phí hàng chục nghìn USD mỗi lần cất cánh, máy bay RC là một giải pháp tiết kiệm và tiện lợi hơn rất nhiều.
Trong khi diễn tập, các máy bay RC có thể dùng để mô phỏng hoạt động của máy bay đối thủ, cho phép các hệ thống phòng không tập luyện khóa mục tiêu. Với kích thước tương đương với nhiều loại UAV quân sự trên thế giới, các mẫu máy bay RC này hoàn toàn có thể được dùng cho các bài tập phòng chống nguy cơ từ trên không.
Trong quá khứ, thủy quân lục chiến Mỹ từng sử dụng UAV giá rẻ và máy bay mô hình để huấn luyện các binh sĩ sử dụng tên lửa Stinger.
Quân đội Việt Nam hiện có khoảng 150 tiêm kích chiến thuật và máy bay huấn luyện, trong đó hiện đại nhất là tiêm kích Su-30MK2V (Flanker-C). Với số lượng tiêm kích này, việc triển khai chúng cho các cuộc tập trận địa phương là không hề dễ dàng. Vì vậy, máy bay RC là một phương án thay thế phù hợp, có thể đảm bảo tính thực tế tương đối cho các bài huấn luyện.
Việt Dũng
‘Mổ xẻ’ chiến tăng đội Việt Nam dùng thi đấu ở Army Games 2022
Xem binh sĩ Việt Nam thi đấu môn “Xạ thủ chiến thuật” tại Army Games
Theo Ban tổ chức Army Games 2021, môn “Xạ thủ chiến thuật” được tổ chức nhằm rèn luyện kỹ năng của các nhóm chiến đấu với vũ khí cá nhân.