Ra mắt vào đầu năm 2018, Facebook Gaming là nền tảng sáng tạo các nội dung liên quan đến game của mạng xã hội Facebook. Tại đây, người dùng có thể xem những video về nhiều tựa game khác nhau hoặc theo dõi các streamer phát sóng trực tiếp.
Tháng 5/2018, nền tảng này chính thức được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng vài tháng trở lại đây, nơi này đang dần trở thành "lãnh địa" của giới kinh doanh online.
Theo đó, khi truy cập vào nền tảng Facebook Gaming, thay vì được xem video có nội dung liên quan đến game hay các streamer chơi game, người dùng tại Việt Nam lại bị bủa vây bởi hàng loạt video có nội dung phản cảm.
Cụ thể, trong những video này là hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ ăn mặc hở hang, thậm chí cố tình để lộ các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Nhiều tài khoản còn không ngần ngại ghi rõ nội dung nhạy cảm về video livestream như không mặc nội y, quay video trong bồn tắm hay trao đổi chuyện người lớn nhằm lôi kéo người dùng vào xem.
Đây thực chất là chiêu trò của giới kinh doanh online tại Việt Nam. Khi mở đầu livestream, họ sẽ dùng mọi cách để có thể tăng lượng tương tác với video. Vì thế, giới bán hàng sẽ phát những video có nội dung nhạy cảm như trên nhằm mục đích gây sốc, từ đó thu hút những người tò mò vào xem.
Sau khi đã có được một lượng theo dõi đủ lớn, nội dung livestream bán hàng mới được phát sóng. Các mặt hàng được chào bán bao gồm đủ thể loại như quần áo, giày dép, đồng hồ, kính mắt hay thậm chí là thuốc.
Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, tình trạng trên bắt đầu trở nên phổ biến sau khi Facebook thiết kế lại giao diện video trên ứng dụng của họ.
"Sau khi nền tảng xem video trên Facebook được tách ra một thẻ riêng biệt, lượng tương tác đối với các video livestream bán hàng đã bị giảm đi rất nhiều. Chúng không còn cơ hội xuất hiện trên News Feed của người dùng như trước. Vì thế, giới kinh doanh online buộc phải tìm ra giải pháp tăng tương tác cho các video livestream bán hàng", anh Lê Dương, một người hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing nhận định.
Trước đó, những video này đã được những người kinh doanh online chia sẻ vào rất nhiều hội nhóm mua bán với số lượng thành viên tham gia đông đảo. Tuy nhiên, để tăng số lượng người xem lớn hơn, họ đã tìm cách tận dụng kẽ hở kiểm duyệt trên nền tảng Facebook Gaming.
Có thể thấy, việc kiểm soát nội dung phát sóng trên nền tảng Facebook Gaming vẫn chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Rất nhiều tài khoản livestream thông báo rằng họ đang chơi một game cụ thể, nhưng trên thực tế lại livestream bán hàng.
Theo Dantri
Thuật toán YouTube vẫn hướng người xem vào nội dung độc hại
Hơn 71% video bị cắm cờ bởi nhóm tình nguyện viên vẫn được đề xuất bởi YouTube, theo một nghiên cứu mới đây của Mozilla (cha đẻ trình duyệt Firefox).