Đoạn video ngắn được đăng tải đầu tiên trên tài khoản Twitter có tên @jagarikin đã nhanh chóng "gây sốt" khi thu hút hàng chục ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận.
Trong đoạn video ngắn này xuất hiện hai hình tròn xoay liên tục một hướng cố định theo chiều kim đồng hồ, với các mũi tên ở bên trong. Điều thú vị của đoạn clip đó là dù hai hình tròn luôn cố định tại một vị trí, nhưng khi các mũi tên bên trong thay đổi cũng sẽ tạo ra hiện tượng các hình tròn di chuyển theo hướng của mũi tên chỉ.
Đoạn clip đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng, khi nhiều người cho rằng hiện tượng vòng tròn di chuyển là kết quả một dạng ảo giác khi mắt của người nhìn bị đánh lừa bởi các dấu mũi tên ở bên trong. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cư dân mạng cho biết khi họ sử dụng ngón tay để che đi các mũi tên thì vẫn có hiện tượng hai vòng tròn di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Nhiều cư dân mạng khác lại cho rằng tác giả của đoạn clip đã có một mánh khóe đánh lừa người xem khi thực chất các vòng tròn đang di chuyển chứ không hề cố định tại một vị trí. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị phủ nhận khi nhiều người đã thử cắt đoạn video để đưa các hình tròn ra sát cạnh của đoạn video để chứng minh rằng các hình tròn thực sự đang cố định tại một vị trí. Ngoài ra, một số cư dân mạng khác cho biết khi đặt con trỏ chuột ở vị trí viền ngoài của vòng tròn trên đoạn video, họ có thể nhận ra vòng tròn này không hề chạm vào biểu tượng con trỏ chuột, đồng nghĩa với việc vòng tròn không hề di chuyển.
Sau khi quan sát kỹ đoạn video và các hiệu ứng chuyển động, một số cư dân mạng đã nhận ra được bí ẩn tạo ra hiện tượng ảo giác trên đoạn video. Theo đó, phía viền trong và viền ngoài của hai hình tròn có những đường nét đứt và màu sắc tương phản nhau, mà phải quan sát kỹ người xem mới có thể nhìn thấy được.
Chính chuyển động của những đường nét đứt này đã tạo nên hiệu tượng ảo giác giống như các vòng tròn đang di chuyển, trong khi đó sự thay đổi hướng chỉ của các mũi tên chỉ là "mánh khóe" để đánh lừa người xem chứ không hề có tác dụng thực sự.
Nhiều cư dân mạng cho biết khi họ chớp mắt liên tục, những đường đứt nét ở viền trong và ngoài hình tròn sẽ không còn được ghi nhận, lúc này hiệu ứng vòng tròn di chuyển sẽ không còn.
(Theo Dân Trí)
Hơn 170.000 video của người Việt đã bị YouTube gỡ bỏ trong quý III/2020
Các video bị gỡ bỏ vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube trong quý III/2020 của Việt Nam, giảm nhẹ so với quý trước đó.