Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng
Đối với ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó nêu rõ: Đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng. Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng…
Là ngành sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước, xi măng đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đi đầu là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Những năm qua, Vicem tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chiều sâu, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và các chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất clinker, xi măng.
Ngày 09/02/2019, tại Hà Nội, Vicem và F.L.Smidth (Đan Mạch) ký kết Tuyên bố Hà Nội, nhằm hợp tác nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới theo hướng “Tuần hoàn tự nhiên - Phát thải bằng không - Natural Cycle - Zero Emission”.
Trên cơ sở đánh giá thiết bị dây chuyền hiện có, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ của nhà máy và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm thực tế của các hãng sản xuất cung cấp thiết bị cho ngành Xi măng, Vicem Bút Sơn đã chủ động tự nghiên cứu, xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý rác thải tích hợp trong sản xuất clinker. Hệ thống xử lý rác thải hoàn thành từ sự kết tinh trí tuệ của đội ngũ kỹ thuật nhà máy với thiết kế “made in Việt Nam” và 100% thiết bị được chế tạo trong nước.
Hệ thống khí thải lò nung clinker sau khi được xử lý, làm sạch bụi và trước khi thải ra môi trường được hệ thống giám sát 24/7 giám sát các thông số phát thải chính như hàm lượng bụi, khí… được kết nối với Sở TN&MT địa phương.
Đồng xử lý trong lò xi măng rẻ hơn nhiều so với xây dựng nhà máy đốt rác chuyên dụng, bởi có sẵn thiết bị đốt (lò nung, tháp trao đổi nhiệt,..), thiết bị bảo vệ môi trường (lọc bụi túi, lọc bụi điện, ống khói,..), chỉ cần vốn đầu tư nhỏ là lò quay xi măng có thể đồng xử lý chất thải. Đây là giải pháp được nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững, Công ước Basel, Hiệp hội Xi măng châu Âu… công nhận là công nghệ xử lý chất thải an toàn, thân thiện môi trường, là giải pháp bền vững để xử lý chất thải không thể tái chế.
Vicem Bút Sơn - dấu ấn tiên phong
Là DN tiên phong, Vicem Bút Sơn đã sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (phế thải giày da, may mặc, nylon, nhựa, cao su, mùn cưa…) làm nhiên liệu thay thế. Hiện Vicem Bút Sơn đang tập trung nghiên cứu, phân tích lượng bùn thải tại khu vực Hồ Tây, hồ Yên Sở và nguồn bùn thải tại các địa phương lân cận để phối trộn trực tiếp, thay thế một phần sét.
Đầu năm 2022, sau khi được sự chấp thuận của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Nam, Vicem Bút Sơn thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng, gồm bùn thải nguy hại, các loại đất đá thải có nhiễm thành phần nguy hại, giẻ lau dính dầu, nhựa vụn dính dầu, chất hấp thụ, vật liệu lọc giẻ lau; dầu thải, nhũ tương thải, sơn, vecni thải...
Từ năm 2015, Công ty sử dụng thạch cao nhân tạo, tro bay, xỉ nhiệt điện; và tỷ lệ sử dụng tăng dần qua các năm. Năm 2020, tổng lượng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 207.625 tấn, chiếm 6,25%. Năm 2021, con số này là 225.150 tấn, chiếm 7,18% tổng sản lượng xi măng sản xuất.
Đại diện công ty Vicem Bút Sơn cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh triển khai với mục tiêu đạt tỷ lệ thay thế nhiệt lên đến 40 - 50%, sử dụng chất thải đa dạng, nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo.
Ngoài nâng cấp hệ thống kho chứa, tự động hóa hoàn toàn khâu tiếp liệu; Vicem Bút Sơn còn nghiên cứu thiết kế, đầu tư bổ sung hệ thống buồng đốt ngoài để xử lý rác có nhiệt trị thấp, độ ẩm cao (kể cả rác sinh hoạt); nghiên cứu chế tạo hệ thống sấy rác và bùn thải để giảm độ ẩm, nghiên cứu tái sử dụng VLXD đổ thải làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng...; mở rộng nghiên cứu, triển khai về VLXD các bon thấp và tham gia quá trình chuyển đổi xây dựng không các bon; nghiên cứu các dòng sản phẩm xi măng, bê tông thân thiện hơn với môi trường…
Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục khai phá tiềm năng về năng lượng tái tạo trong nhà máy xi măng (năng lượng mặt trời, phát điện nhờ tận dụng các nguồn nhiệt phát thải có nhiệt thấp hơn và từ đốt rác thải…) nhằm giảm thiểu phát thải từ điện để giảm phát thải CO2 ròng; đồng thời nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về thu giữ và sử dụng các bon tạo nguồn năng lượng tái tạo tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất xi măng.
Vũ Huyền