Lợi nhuận quý 1 đạt 2.700 tỷ đồng, duy trì hiệu quả kinh doanh top đầu ngành
Kết thúc quý I, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19%. Ngân hàng duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả cao ở mức 4,6% trong bối cảnh cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có nhiều biến động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) giảm xuống đáng kể, chỉ còn 32% trong quý 1.2023 so với 35% cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.360 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2022.
Với bối cảnh thị trường chung, phân khúc khách hàng bán lẻ của nền kinh tế nói chung và VIB nói riêng gặp khó khăn nên tỷ lệ nợ xấu của VIB tạm thời tăng từ 1,8% lên 2,6% vào cuối 3.2023. Ngân hàng đã gia tăng bộ đệm phòng ngừa rủi ro với mức trích lập dự phòng rủi ro là 668 tỷ trong quý 1, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Tổng kết quý 1, VIB báo lãi gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, với mức lãi này ngân hàng tiếp tục duy trì ROE ở mức 30%, cao nhất ngành năm thứ 4 liên tiếp.
Bảng tổng kết tài sản vững mạnh, các chỉ số quản trị an toàn tối ưu, rủi ro tập trung thấp nhất ngành
Tổng tài sản của VIB đạt hơn 357.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3.2023, tăng trưởng 4,2% so với đầu năm. Về tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh lãi suất còn ở mức cao, tình hình thị trường nhà đất, thị trường tiêu dùng và đầu tư đang chững lại nên tín dụng của VIB giảm nhẹ 1,2%, tuy nhiên nhịp điệu kinh doanh đã dần được đẩy mạnh trong tháng 3, tạo tiền đề cho Quý 2 với kỳ vọng tăng trưởng tích cực.
Hiện nay, VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thấp nhất thị trường với tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm tới gần 90% tổng danh mục cho vay. Trong đó, trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và có tính thanh khoản tốt. Bên cạnh đó, VIB có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành, khoảng 1.500 tỷ đồng tương đương 0,6% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn là trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng.
Tính đến hết tháng 3.2023, nguồn vốn huy động của VIB đạt hơn 248.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế như IFC, ADB. Trong tháng 3, IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới đã phê duyệt khoản vay trị giá 100 triệu đô trong 5 năm cho VIB. Thỏa thuận dự kiến được ký kết trong tháng 5 sẽ giúp VIB tăng cường giải ngân cho lĩnh vực nhà ở trong thời gian tới. Khoản vay này góp phần đưa tổng hạn mức tín dụng mà các định chế quốc tế như IFC, ADB… cấp cho VIB lên đến 1,5 tỷ đô la Mỹ.
Các chỉ số an toàn ở mức tối ưu, trong đó hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 71,5% (quy định dưới 85%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 28,3% (quy định dưới 37%), hệ số an toàn vốn (CAR Basel II) ở mức 12,3% (quy định trên 8%) và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) khoảng 112% (quy định của Basel III tối thiểu là 100%).
Về xếp hạng bởi Ngân hàng nhà nước (NHNN): Trong năm 2022, VIB nhận được kết quả do Ngân hàng Nhà nước xếp hạng ở nhóm cao nhất ngành. Với hiệu quả kinh doanh cao, an toàn về cả mặt định lượng và định tính, VIB đã sử dụng phương pháp luận do NHNN ban hành để tự đánh giá, kết quả tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao nhất (kết quả chính thức sẽ do NHNN công bố trong năm 2023).
Phân phối cổ tức 35% trên nền vốn chủ sở hữu và hệ số CAR cao
Trong quý 1, ĐHĐCĐ VIB đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 35% bao gồm 15% cổ tức tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Đầu tháng 3 năm 2023, ngân hàng đã hoàn tất phân phối 10% cổ tức tiền mặt. Hiện VIB đang trong giai đoạn triển khai chi trả 5% cổ tức tiền mặt còn lại và 20% cổ phiếu thưởng cho cổ đông cùng 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP).
Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) được duy trì trung bình 30% trong nhiều năm liên tục đã tạo ra mức cổ tức hấp dẫn, đồng thời tạo nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào bổ sung vào hoạt động của ngân hàng. Sau khi chi trả cổ tức tiền mặt 10%, hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR Basel II) vẫn ở mức cao, đạt 12,3% tại ngày 31.03.2023 và dự kiến sẽ được duy trì mức 12%-13% trong năm 2023 so với quy định của NHNN là tối thiểu 8%.
Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và tiên phong về công nghệ
Với chiến lược nhất quán lấy khách hàng làm trọng tâm trong quá trình số hóa và chuyển đổi số, VIB tiên phong ứng dụng nhiều công nghệ mới và xây dựng các chuỗi giá trị nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn. Nhờ đó, trong năm 2022 VIB ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với số lượng giao dịch ngân hàng số tăng hơn 100% so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ 93% giao dịch qua kênh số. Tính đến nay, ứng dụng Ngân hàng số MyVIB và các giải pháp công nghệ đã nhận được nhiều giải thưởng và ghi nhận từ các tổ chức uy tín như The Asset, The Banker, Global Finance Review, Mastercard, Visa card, AWS và Microsoft.
Trong tháng 3 vừa qua, trên trang web toàn cầu của Microsoft, VIB được xem là “một trong những ngân hàng đầu tiên trong khu vực chuyển đổi sang ngân hàng số và đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai hệ sinh thái đa đám mây”. Đầu tháng 4, AWS (Amazon Web Services) đã mời VIB tham gia phát biểu về tính quan trọng của điện toán đám mây và sự tiên phong của VIB trong lĩnh vực này. Trong ngành ngân hàng, VIB là khách hàng đầu tiên của AWS tại Việt Nam từ năm 2020 và đã đóng góp quan trọng trong việc đưa ra nền tảng cho ứng dụng thực tiễn của điện toán đám mây. Hiện nay, điện toán đám mây đang trở thành xu hướng công nghệ trong các ngân hàng Việt Nam, điều này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, với mục tiêu 60% các ngân hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Là ngân hàng có mô hình vận hành ưu việt, có độ tập trung bán lẻ cao nhất thị trường với tỷ lệ lên tới 90%, VIB tiếp tục triển khai kinh doanh và duy trì vị trí hàng đầu ở nhiều mảng kinh doanh bán lẻ trọng yếu, đầu tư bài bản vào chuyển đổi số tất cả các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đồng thời chú trọng quản trị rủi ro đảm bảo các hệ số an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Doãn Phong