Việc cho phép sử dụng một phần những lòng đường, vỉa hè đủ rộng để giữ xe, kinh doanh, dựng rạp cưới... là không trái luật.

“Vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP.HCM, ngoài mục đích giao thông nó còn được sử dụng phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa... theo đề án được UBND TP chấp thuận”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè đang được TP.HCM lấy ý kiến.

Chừa 1,5 m cho người đi bộ

{keywords}

Khoảng 20 hộ ở quận Tân Bình bán hàng rong trên vỉa hè đã được bố trí bán ở chợ Phạm Văn Hai vào ban đêm. 

“Sở GTVT vừa gửi dự thảo sửa đổi quy định về việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP để lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện rồi hoàn chỉnh trình UBND TP. Việc điều chỉnh, sửa đổi quy định hiện hành (Quyết định 74/2008 - PV) là để quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè hiệu quả, đúng mục đích...”. Ngày 30-3, Sở GTVT cho biết như trên.

Theo Sở GTVT, dự thảo lần này nêu chi tiết, cụ thể hơn các hoạt động bị cấm khi sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè như cấm tự ý xây dựng, đào bới; xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới đường đỏ; đặt, dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà...

Tuy nhiên, dự thảo cũng đề xuất được phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường, trong đó có việc sử dụng cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán.

“Đơn cử như dự thảo đã nêu rõ bề rộng vỉa hè sử dụng để trông giữ xe phải đạt tối thiểu

3 m và khi cho thuê kinh doanh phải đạt 5 m. Phần vỉa hè còn lại sau khi chừa đất làm nơi giữ xe, kinh doanh phải rộng ít nhất là 1,5 m để cho người đi bộ. Lòng đường phải bảo đảm phần đường còn lại có bề rộng tối thiểu cho hai làn xe/một chiều” - đại diện Sở GTVT thông tin.

{keywords}

Người phụ nữ này bán bánh mì nuôi chồng chạy thận tám năm qua đã bị xử lý do bán trên vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ. Bà rất mong muốn được tạo điều kiện, bố trí nơi vỉa hè đủ rộng để sinh sống.

Cho thuê vỉa hè có phạm luật?

Sở GTVT nhấn mạnh khi sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho các hoạt động ngoài mục đích giao thông thì không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Ngoài ra, phải bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ; lòng đường thông suốt cho xe cộ lưu thông. Cạnh đó, các hoạt động này cũng phải bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hai bên đường.

“Ở những nơi này, lòng đường, vỉa hè dùng giữ xe, kinh doanh... phải được kẻ vạch sơn phân định rõ phạm vi, lát gạch phân biệt khác nhau, rào chắn cố định, biển báo. Tuy nhiên, Sở cũng khẳng định việc sử dụng tạm thời vỉa hè vào việc kinh doanh, dịch vụ, buôn bán hàng hóa chỉ áp dụng tại các tuyến đường nằm trong danh mục tuyến đường được UBND TP chấp thuận cho phép kinh doanh, được cấp có thẩm quyền cấp phép” - Sở GTVT cho hay.

Cũng theo dự thảo, việc sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường cho mục đích ngoài giao thông phải được xét duyệt, cấp phép và người thuê vỉa hè phải nộp các khoản phí, lệ phí theo mức do UBND TP ban hành.

Theo Sở GTVT, khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố (còn gọi là vỉa hè) chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều này cũng cho phép trong trường hợp đặc biệt, UBND cấp tỉnh được phép quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, việc cho phép sử dụng một phần những lòng đường, vỉa hè đủ rộng cho để xe, kinh doanh... cũng không trái luật.

12 hoạt động được đề xuất thực hiện ở lòng đường, vỉa hè

1. Tổ chức tang lễ.

2. Tổ chức lễ cưới.

3. Phục vụ thi công công trình.

4. Tổ chức sự kiện tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

5. Cá nhân, hộ gia đình để xe của nhà, cho khách hàng.

6. Bố trí các nhà chờ, trạm, trụ… cho phương tiện giao thông công cộng.

7. Phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa.

8. Tổ chức sự kiện văn hóa, xã hội.

9. Trung chuyển rác thải sinh hoạt.

10. Trông, giữ xe công cộng, đậu xe có thu phí.

11. Lắp đặt các công trình thiết yếu, trụ biển quảng cáo.

12. Hoạt động có thu phí khác.

Quy hoạch, xét mục đích rồi cho thuê vỉa hè

Không phải công năng duy nhất của vỉa hè là để đi bộ. Thực tế, trên vỉa hè ở nhiều nước vẫn có một số hoạt động, dịch vụ văn minh, bổ ích khác. Cụ thể, ở các đô thị văn minh như Paris, London, Berlin, Moscow, New York, Sydney... đều có việc cho thuê một phần vỉa hè cho một số hoạt động dịch vụ, thương mại. Tất nhiên vỉa hè tại nơi cho thuê phải có đủ điều kiện, không ảnh hưởng đến việc đi bộ.

Trên vỉa hè ở nước ta lại càng có nhiều hoạt động như thế nhưng tự phát, trả tiền cho bảo kê, không có hợp đồng thuê mướn. Như vậy, tiền không vào ngân sách để dùng chung cho người dân mà đi vào một số người.

Vì vậy, tôi cho rằng việc cho phép người dân thuê một phần vỉa hè ở nơi có đủ điều kiện cho các mục đích ngoài giao thông là phù hợp. Nếu quy định hiện hành chưa cho phép thì đề nghị sửa luật rồi địa phương lập quy hoạch vỉa hè nhằm xác định nơi nào không thể cho thuê, nơi nào có thể cho thuê một phần, cho thuê cho những hoạt động gì. Cạnh đó, địa phương cũng ban hành thủ tục, biểu giá phí... cho thuê sao cho hợp lý.

TS kinh tế LƯƠNG HOÀI NAM

(Theo Pháp luật TP.HCM)