Thực ra, cuộc giải cứu vỉa hè không phải là nét đặc thù riêng của nước Việt, với hai đô thị lớn- Hà Nội và t/p Hồ Chí Minh. Mà từ lâu nó cũng là cuộc giải cứu của nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á, phương tây, phương đông đủ cả. Bởi vỉa hè không chỉ là nơi người ta thả bộ mà còn là nơi có thể sinh lời.
Ba điểm khác biệt
Khác chăng, cuộc giải cứu vỉa hè ở những quốc gia thuộc các châu lục khác nhau thành công trên một nền tảng pháp luật nghiêm minh và khá chặt chẽ, kết hợp với sự tôn trọng pháp luật của công dân.
Các hộ kinh doanh phải thu dọn hàng hóa vào bên trong không để lấn ra vỉa hè. Ảnh: VietNamNet |
Như ở Thái Lan, theo Pháp Luật và Xã hội, ngày 05/3, từ năm 2015 chính phủ Thái Lan tiến hành hàng loạt chiến dịch hạn chế bán hàng vào giờ cao điểm, di dời hơn 3000 quầy buôn bán vỉa hè tới khu phố dành riêng cho hoạt động này. Các xe bán hàng rong không được phép hoạt động từ 15h-17h để nhường đường cho người đi bộ. Ở Hàn Quốc, người dân bán hàng phải có giấy phép hoạt động, kiểm tra sức khỏe định kỳ và kinh doanh trong các khu vực dành riêng.
Nhưng nhất là ở Singapore, từ năm 1996, tất cả người bán hàng rong đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép…Nước này cũng thực hiện chế độ quản lý nghiêm, áp dùng hình phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật kinh doanh, lấn chiếm lề đường hoặc không có giấy phép đăng ký. Singapore có thể coi là hình mẫu về quy hoạch hoạt động buôn bán vỉa hè bài bản.
Thậm chí, như ở Italia, Pháp, Mỹ, hàng quán vỉa hè không chỉ là nơi mưu sinh, còn biến thành nét chấm phá đầy bản sắc và thẩm mỹ mỗi địa danh.
Nhưng ở nước Việt, những ngày này, hầu như cả truyền thông lẫn cư dân các trang mạng xã hội đều vào cuộc xung quanh vụ giải cứu. Thực tiễn cho thấy công cuộc này không hề đơn giản, mặc dù như ở Hà Nội, những văn bản chỉ đạo vấn đề này có từ thời nhiệm kỳ trước- Chỉ thị 14 ngày 12/12/2012 của Thành ủy Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng vì sao, nhiệm kỳ trước, nhiều cuộc giải cứu thất bại?
Cần thấy 03 điều rất căn bản thuộc về những tính đặc thù riêng biệt ở vỉa hè của nước Việt.
-Đó là, cách giải cứu vỉa hè của nhiều năm trước đây, giống như nhiều cuộc vận động, từ lâu mang tính phong trào, trống dong cờ mở ầm ĩ nhưng rồi ngày một ngày hai cứ… đuối dần. Rút cục phong trào nào cũng “đầu voi, đuôi chuột”. Chính vì thế, tạo cho người dân một tâm lý… nhờn luật, một thái độ ứng xử “cò cưa” với pháp luật. Vì họ tin rút cục vỉa hè vẫn “toàn thắng về ta”. Cách làm “đầu voi đuôi chuột” này lại đặt trong bối cảnh xã hội từ lâu, pháp luật bị một số người từ quan chức đến dân thường giẫm đạp.
-Đó là, hàng rong của người dân tứ xứ chiếm một lượng không nhỏ trong “nền kinh tế vỉa hè”, nhưng các phường, các quận, huyện dường như vẫn chưa tính đến để có được giải pháp đồng bộ song song với giải tỏa vỉa hè, thì “nền kinh tế” này đi đâu về đâu? Đây chính là điểm hóc búa khiến vỉa hè là nơi chứng kiến các kiểu “đánh du kích” của người buôn bán hàng rong. Nó quyết liệt và căng thẳng đến mức, như nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự từng chia sẻ: Ngày đó tôi bị chửi nhiều lắm. Có người nói ông này vẽ ra trò lố bịch. Thậm chí có người còn dọa đến đốt nhà. (VietNamNet, ngày 07/3). Đó là chuyện của hơn 20 năm trước đây, khi Hội An giải cứu vỉa hè- là nỗi vất vả của người đứng mũi chịu sào.
Và nó cũng hóc búa đến mức, nếu không có những giải pháp căn cơ, lâu dài, khôn ngoan cho người dân nghèo khó ở hai đô thị vốn bám vỉa hè mưu sinh, mà chỉ có tuyên truyền vận động như cách làm phong trào xưa nay, rất có thể “nền kinh tế vỉa hè” này vẫn sẽ… chiếm vỉa hè như chưa bao giờ có cuộc chia ly.
- Nhưng có một nguyên nhân căn cốt nhất, khiến sự lộn xộn, bát nháo của vỉa hè trơ gan cùng tuế nguyệt, có thể từ lâu ai cũng hiểu nhưng đều làm ra không hiểu, lần đầu tiên được “điểm huyệt”: 180 quán bia vỉa hè, hơn 150 quán có công an đứng sau. Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? (VietNamNet, ngày 04/3)
Cái gốc của vấn đề
Dân phố cổ HN tự dỡ mái che. Ảnh: VietNamNet |
Quả thật, sự bát nháo lộn xộn đó khó mà tồn tại nếu không có sự “che chắn” của một số cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có nhiệm vụ quản lý môi trường xã hội lành mạnh. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, lợi ích nhóm nhằng nhịt, làm nảy sinh một khái niệm mới- “tham nhũng vỉa hè”.
Giữa lúc đó, trên báo Đất Việt, ngày 06/3, đưa hình ảnh hai người phụ nữ Hàn Quốc ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cầm một tấm biển dài viết dòng chữ bằng tiếng Việt chưa thạo: “Chậm chậm từ từ hãy chăm sóc và bảo vệ cháu giúp tôi cảm ơn”. Họ có thể chưa thạo tiếng Việt, nhưng những người Việt chúng ta quá thạo… lao xe máy lên vỉa hè, liệu có biết xấu hổ trước những dòng chữ chưa chuẩn xác về chính tả, ngôn từ nhưng đầy tinh thần vì cộng đồng ở xứ người- của họ?
Cuộc giải cứu vỉa hè ở Hà Nội và t/p HCM sẽ ra sao? Chưa ai đoán định được. Kinh nghiệm của Hội An mà nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói rất cụ thể, có thể là những bài học hay. Có điều, quy mô không gian đô thị của Hà Nội và t/p HCM lớn gấp bội, thì sự phức tạp về giải pháp hẳn cũng khó hơn gấp bội. Một điểm khác biệt của Hội An với Hà Nội, là không có hiện tượng che chắn, “bảo kê” của c/q cơ sở. Vậy mà Hội An cũng phải làm suốt cả năm trời. Vì cứ “hở” ra là vỉa hè… em vẫn như ngày xưa. Đủ biết cuộc giải cứu vỉa hè lần này không thể ngày một ngày hai. Chắc chắn phải hàng năm trời. Vì vậy, Hà Nội phải kiên nhẫn “bóc tách” từng loại đối tượng. Đối tượng nào có thể làm ngay. Đối tượng nào cần có sự tính toán, phối hợp của nhiều điều kiện, nhất là hàng rong- “nền kinh tế vỉa hè di động”. Như vậy, các giải pháp vỉa hè cần được “phân hóa” gắn với 03 đặc điểm nói trên.
Nhưng người viết tâm đắc với nhìn nhận của bài viết trên báo Tiền Phong ngày 06/3: Chính quyền “sạch”, vỉa hè sẽ “sạch”! Đúng vậy. Nếu không có sự che chắn, dung túng và ăn chia của chính quyền cơ sở, làm sao vỉa hè Hà Nội mãi xô bồ, tạp nham đến vậy? Vấn đề pháp luật thượng tôn, trước hết chính quyền cơ sở phải làm gương. Đầu xuôi đuôi lọt, đố có sai?
Sự chuyển động của Hà Nội, t/p HCM, dù còn không ít vật cản nhưng đã có những tác động tích cực. Mới đây, ông Võ Viết Thanh, Bí thư Thành ủy t/p Vinh (Nghệ An) cho biết, t/p sẽ triển khai kế hoạch giành lại vỉa hè cho người đi bộ vào đầu tháng 04 tới.
Chính quyền “sạch”, vỉa hè sẽ “sạch”!
Hãy bắt đầu từ cái gốc của vấn đề này.
Kỳ Duyên
Ông Nguyễn Đức Chung đã tóm được ‘tổ con tò vò’Phát ngôn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội giống như người nắm được “tổ con tò vò” ở đâu. Lập lại trật tự Hồ Tây cần làm quyết liệt như đòi vỉa hèHà Nội đã xác định chấn chỉnh, cải tạo, xây dựng Hồ Tây thành một điểm du lịch văn hóa tầm cỡ quốc tế thì ngoài việc dừng nuôi cá vừa quyết định sẽ còn thêm rất nhiều việc cần làm. Đòi lại vỉa hè cần làm như cấm đốt pháo, buộc đội mũ bảo hiểmCuộc chiến đòi lại vỉa hè không những là phép thử của việc thực thi pháp luật, mà còn là đòi hỏi của việc lập lại trật tự đô thị theo con đường hướng đến văn minh. Bằng khen- môn thể thao “chạy” và lòng tự trọngTrước thế giới phẳng hôm nay, mọi xấu tốt, hay dở, nhân thân con người rất dễ được công khai, minh bạch. Học giỏi mà leo cầu thang không nổi thì giỏi làm gì?Làm sao để gây dựng những thế hệ có tinh thần lành mạnh trong cơ thể khỏe mạnh là một vấn đề thực sự quan trọng, cần kíp. |