- Trong cuộc đời quân ngũ, ông luôn được số phận đặt vào những trận chiến khốc liệt nhất. Vị Tướng từng trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ khi 18 tuổi, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 26 tuổi này có một thói quen thời chiến trận mà đến sau này ông vẫn không thay đổi...
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đoàn Sinh Hưởng từ nhỏ có một khát khao là sớm được vào quân ngũ. Lý tưởng lớn nhất của những thanh niên thời đó là không được ra mặt trận là một thiệt thòi, bởi chỉ đi bộ đội mới vinh quang.
17 tuổi, chẳng thể chờ đủ tuổi như quy định, cậu thanh niên đến buổi xét tuyển đi lính ở xã với tinh thần "phải đi lính thôi". 41kg, thiếu tới 4kg, người thấp bé, còn bị huyết áp cao, cậu ở lì buổi tuyển quân dù bị từ chối.
Đời thường của vị tướng trải qua những trận chiến khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Ảnh: Mai Anh |
29 người được gọi đi lính theo danh sách bị khuyết 1 do thiếu sức khỏe, Đoàn Sinh Hưởng quyết xin thế chân. Mọi chỉ số sức khỏe được các cán bộ tuyển quân lén chỉnh sửa để cậu đủ điều kiện hồ sơ đăng lính chỉ bởi tinh thần quyết tâm quá cao.
Ngày chuẩn bị nhập ngũ, bố chỉ dặn một câu: Bé người nhưng tư tưởng không được bé, phải nghĩ trước khi làm. Ngày 28/9/1966, Đoàn Sinh Hưởng tạm biệt gia đình, quê hương, vác ba lô vào chiến trường, hành trang mang theo chỉ một bộ quần áo, một tập phong bì, tem, một chiếc bút máy, một chiếc đèn pin và một hộp dao cạo râu. Một cậu bạn tên Ngọc tặng một đôi dép 4 quai.
Kỷ niệm đầu đời của cậu học sinh lớp 7 vào lính, đó là được phân công làm tiểu đội trưởng. Ngày vào lính bắt đầu bằng 3 tháng ròng rã hành quân từ Móng Cái về Tiên Du, Phú Thọ. Đó là cuộc trải nghiệm mà Tướng Hưởng nói rằng qua đó tư tưởng mình trưởng thành, không còn là một học sinh.
Những trận mạc khét tiếng
Tháng 9/1967, anh lính trẻ bộ binh thuộc Sư đoàn 308, Trung đoàn 88 bắt đầu bước vào trận chiến lớn đầu tiên trong đời: trận Khe Sanh, vốn được mệnh danh là "Điện Biên Phủ thứ hai".
Khe Sanh - trận đánh lớn đầu tiên trong đời |
"Những năm 1967-1968, Khe Sanh ác liệt lắm. Khe Sanh vẫn được ví là khe tử. Lúc đó tôi chỉ nghĩ được một điều: được đi chiến đấu là vinh dự" - Tướng Hưởng kể. Anh lính trẻ lần đầu vào trận, lại là trận chiến ác liệt, chỉ kịp biên một lá thư gửi về thông báo gia đình hai việc: con được đi chiến đấu ở miền Nam và có thể không về.
Sau này trải qua nhiều trận chiến, Tướng Hưởng luôn coi Khe Sanh là trận đáng nhớ nhất trong đời ông. "Nó là trải nghiệm đầu tiên của cuộc đời và ác liệt nhất. Hơn nữa, Khe Sanh là đánh trực tiếp với Mỹ, tia chớp Mỹ, pháo binh Mỹ, không quân Mỹ".
Rời Khe Sanh, người lính lại tiếp tục vào các mặt trận khác. Dường như trong cuộc đời quân ngũ, số phận luôn đặt ông vào những trận chiến khốc liệt, có ý nghĩa quyết định.
Rồi trận chiến đường 9 Nam Lào, cuộc thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và khả năng hoạt động độc lập của quân lực VNCH. Giai đoạn này, những trải nghiệm của anh lính bộ binh đã thiện nghệ.
Với trận đánh này, lần đầu tiên QĐNDVN mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với yểm trợ của thiết giáp và pháo binh hạng nặng để đè bẹp quân lực VNCH. Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đã làm cho yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ trở nên khó khăn và chịu nhiều thiệt hại.
Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Năm 1972 là giai đoạn bước ngoặt trong quân ngũ đối với Tướng Hưởng khi chuyển từ bộ binh sang tăng thiết giáp. Sau một thời gian huấn luyện, người lính làm cán bộ đại đội và một lần nữa lên đường vào chiến trường.
Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột chứng thực sự trưởng thành, chuyên nghiệp của người lính và là trận lớn đầu tiên chiến đấu ở đơn vị tăng thiết giáp. Ông chỉ huy đại đội 9 phối hợp với đại đội bộ binh đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế, tham gia đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 của quân đội Sài Gòn, giải phóng Buôn Ma Thuột.
Không chỉ giành thắng lợi, trận đánh không có thiệt hại nào về người và phương tiện chiến đấu. Chiếc xe tăng 980 do Tướng Hưởng chỉ huy dẫn đầu mũi đột kích thọc sâu, tung hoành ngang dọc, tiến công vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 trở thành chiếc xe tăng lịch sử.
Chiếm được sở chỉ huy, chiếc xe tăng còn theo đoàn quân thắng như chẻ tre tới đầu cầu Đà Rằng - Tuy Hòa. Tại đây, sau khi xe 980 diệt 4 khẩu pháo án ngữ lối vào thị xã Tuy Hòa thì xe bị trục trặc nên phải để lại. Sau này, TP .Buôn Ma Thuột, khi dựng tượng đài chiến thắng ở Ngã 6 đã lấy xe tăng 980 làm biểu tượng cho khí thế tiến công cách mạng.
Ông dẫn đầu đoàn Quỹ Mãi mãi tuổi 20 viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Citinews |
"Nó là trận then chốt quyết định, làm cho thế trận của địch lung lay, không rút không được nữa, buộc phải chạy về dưới đồng bằng. Mất Tây Nguyên cũng như mất nóc nhà, không giữ thế đứng được nữa tức là mất thế chiến lược.
Còn quân ta đã có chỗ đứng để tiến xuống đồng bằng. Các nhà nghiên cứu chiến lược quân sự sau này gọi đó là chiến lược đánh úp từ trên xuống, đúng thế chẻ tre" - Tướng Hưởng nói về trận đánh.
Kể lại trận đánh này, Tướng Hưởng tiết lộ một chuyện thú vị: Dù giành chiến thắng, thay vì được thưởng huân chương, ông suýt bị cách chức chỉ vì... hai cái chảo.
Khi vào sở chỉ huy, ông thấy hai chiếc chảo inox to đựng nước bèn tính lấy về để nấu nướng cho anh em. Loanh quanh tìm cách lấy chảo mang về, ông bỏ máy chỉ huy mất vài phút đúng lúc cấp trên điện lệnh rút quân.
Sau đó ông bị khiển trách không chấp hành kỷ luật chiến đấu và đe cách chức đại đội trưởng. Lúc đó ông vui vẻ xin án phạt về làm anh nuôi. Nhưng lệnh phạt trở thành án treo còn đồng đội thì có sự tích về "huân chương không nhận đi nhận chảo" của Đoàn Sinh Hưởng sau này.
Ông thường đến thăm, tặng quà thương binh. Ảnh: Citinews |
Có một kỷ niệm là sau trận đánh Buôn Ma Thuột, ông được lệnh giao xe tăng của đơn vị mình cho một đơn vị khác mới lập, đi thu gom xe của địch thành lập một đơn vị mới để tiếp tục chiến đấu.
Đánh địch bằng phương tiện của địch như một truyền thống trong chiến đấu của quân ta, nên ông và đồng đội đi thu gom được hơn 30 chiếc sửa chữa để tái sử dụng. Xe khác hệ nên nhiều tính năng, tác dụng cũng khác nên cả đại đội phải học lại. Chỉ sau 10 ngày cả đội đã làm chủ trang bị.
Sau trận Tuy Hòa, Phú Yên, đại đội của ông tham gia trận đánh chiếm Cầu Bông (cầu An Hạ nay), mở cho quân đoàn từ hướng đông Sài Gòn, vào giải phóng thành phố, hạ gục cứ điểm đầu não cuối cùng của chính quyền VNCH. Sau chốt Cầu Bông, chặng tiến của đại đội do ông chỉ huy được lệnh tiến về Sài Gòn, với mục tiêu chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu địch trong ngày 30/4/1975.
Có một chuyện thú vị đó là Tướng Hưởng có một thói quen từ thời chiến trận đến sau này ông vẫn không thay đổi đó là luôn chải tóc đẹp, quần áo chỉnh tề.
Có một thói quen ông không thay đổi... |
Chiến đấu khốc liệt giữa bom đạn nhưng cứ ra trận là phải chải tóc thật đẹp, rất hay vuốt tóc, nhiều khi để tóc ướt bóng còn bôi nước cho nếp. "Tôi vẫn nghĩ mình đi trận phải đàng hoàng, phải đẹp. Để chết thì cũng chết trong diện mạo đẹp" - ông cười sảng khoái kể.
Không nghĩ mình sẽ làm tướng
Cuộc đời binh nghiệp như thiên mệnh của Tướng Hưởng, dù khi giây phút lịch sử của ngày 30/4/1975 diễn ra, ông từng nghĩ mình sẽ về xin đi làm công nhân ở một đơn vị nào đó, không bao giờ nghĩ sẽ làm Tướng.
Lúc cắm chốt ở Bình Dương làm dân vận sau sự kiện 30/4, trong một lần nằm nghe thời sự đài phát thanh, ông nghe thông báo tên mình được trong danh sách Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
"Vậy là mình phải có trách nhiệm, phải làm gì đó cho xứng đáng hơn nữa". Sau này, ông được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37. 41 tuổi ông đã làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, rồi sau đó về làm Tư lệnh Quân khu 4.
Về hưu, thú vui lớn nhất của ông là bóng đá, trồng cây cảnh |
Thời bình, vị Tướng của những trận mạc khét tiếng năm xưa còn là vị Tướng của bóng đá (ông được biết đến là người sáng lập đội bóng Quân khu 4) và thơ ca, âm nhạc. Bài thơ "Mãi mãi tuổi thanh xuân" của ông được phổ nhạc lấy cảm hứng sáng tác từ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Ông hiện cũng là Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" tri ân đồng đội và thế hệ trẻ thông qua những hoạt động có ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Tháng 4 lịch sử với người cựu binh như một mùa ký ức đặc biệt. Ai đã đi qua cuộc chiến khốc liệt, ở lại trong hòa bình càng da diết với mùa ký ức đó. Vị tướng từng đi qua những chiến trường khốc liệt nhất, vào sinh ra tử nhắc về các đồng đội đã ra đi mãi mãi, mùa ký ức của ông lại đầy ắp sự thương nhớ.
"Chúng ta đã có hòa bình, độc lập trả bằng xương máu, nước mắt và lớn hơn là một tình yêu. Tình yêu dân tộc, đất nước và tình yêu lứa đôi.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tại tư gia ở Nghệ An |
Tôi nhớ trận đầu tiên, đại đội tôi vào trận 70 người mà chỉ có hơn chục người ra thôi. Nhớ những lúc ôm đồng đội trên tay để chôn không có gì cả, phải cởi áo của mình ra để bọc. Cứ nghĩ một điều mình còn nguyên vẹn, bạn mình có người không có nguyên vẹn.
Nhớ những lúc ngày chiến đấu đêm về nằm võng, nhớ đồng đội ra đi cứ khóc mãi không thôi. Rồi buổi sáng dậy phải trở lại trạng thái bình thường, cứng cỏi để ra trận. Cái tình đồng đội của người lính trên chiến trường thiêng liêng lắm.
Điếu thuốc bẻ đôi, bát nước chia đôi. Một nhà thơ nào đó nói nước mắt cũng để dành cho ngày gặp mặt nhưng nước mắt cũng nói lên sự chia ly, những lúc nhớ nhau" - ông nói trong nghẹn ngào khi 40 năm đã xa.
Xuân Linh - Hồng Nhì
Bài tiếp: Phi đội Quyết Thắng và bí mật mang tên Mười Thìn