Nhiều chuyên gia cho rằng, cách đây 15 năm khi không có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, Biển Đông được cho là vấn đề tranh chấp song phương của các nước trong khu vực, và các nước không quan tâm nhiều đến các biện pháp quản lý xung đột.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới như: Đa phương hoá, quốc tế hoá; quân sự hoá các vùng biển và khu vực chiếm đóng; luật pháp quốc tế được đề cập trong quản lý tranh chấp.
Phán quyết của Toà trọng tài 2016 đã vẽ ra một bức tranh pháp lý rõ ràng cho Biển Đông khi quy định rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông như đảo đá, bãi chìm, bãi nửa nổi nửa chìm và bác yêu sách lịch sử của đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên tranh chấp vẫn còn tiếp tục kéo dài căng thẳng do Trung Quốc không công nhận Phán quyết, tiếp tục thực thi yêu sách đường 09 đoạn và gần đây mới công bố thành đường đứt đoạn.
Có nhiều hoạt động “vùng xám” ở trên biển bao gồm sự tham gia chuẩn bị kỹ lưỡng của các bên, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến như tàu thuyền hiện đại, vệ tinh, thiết bị bay không người lái để ghi hình và công bố các thông tin có lợi cho mình.
Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng. Đồng thời, các nước quan tâm hơn đến thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có một số tiến triển tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC như: phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba... Những khía cạnh, yếu tố mới nói trên khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm chú ý của cả cộng đồng quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh vai trò đó, vị trí của Biển Đông trong cuộc cạnh tranh kinh tế và chiến lược toàn cầu và ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.
Những khía cạnh, yếu tố mới nói trên khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm chú ý của cả cộng đồng quốc tế và khu vực.
Nghị sĩ Anne-Marie Trevelyan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, những gì đang diễn ra tại Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Anh luôn mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác và ủng hộ phát triển bền vững và cùng ứng phó với những thách thức chung để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Anh luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hoà bình và thịnh vượng tại khu vực; khẳng định tăng cường cam kết với ASEAN và các quốc gia thành viên thông qua các dự án cụ thể như Quỹ Hành tinh Xanh (Blue Planet Fund), thoả thuận thành lập Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership). Bà khẳng định Anh sẽ tiếp tục duy trì cam kết tại khu vực vì hoà bình và sự ổn định tại Biển Đông là ưu tiên của tất cả các quốc gia.
Trong khi đó, ông Martin Thümmel, Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông gần đây.
Ông Thümmel nhắc lại sự cần thiết của việc tuân thủ đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Để bảo đảm sự thịnh vượng và định hình trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế cần đến sự hợp tác của các nước ở khu vực. Hai năm trước, Đức đã đưa ra Bản hướng dẫn chính sách về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó một khía cạnh quan trọng là triển khai hiệu quả luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
ASEAN đóng vai trò chính trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và cách tiếp cận xây dựng ở khu vực. Phân định vùng biển giữa Indonesia, Malaysia, Việt Nam và các cuộc đàm phán đang diễn ra có tác dụng thúc đẩy hợp tác ở khu vực. Đức cũng nhấn mạnh việc xác định các vùng biển phải tuân theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS.
Chỉ từ cấu trúc đất liền mới có thể xác định các vùng biển, lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Phán quyết Toà Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc, theo đó không có cấu trúc nào ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuyên bố chung Đức-Pháp-Anh về tình hình Biển Đông nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đức cũng tăng cường hợp tác xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước ở khu vực như cảnh sát biển của Philippines và Malaysia. Đức đã điều động tàu hải quân đến Biển Đông vào năm 2021, năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì hiện diện để ủng hộ sự ổn định của an ninh khu vực trong thời gian tới.