- Ông là người đặt nền móng cho mối quan hệ gắn bó kỳ lạ, theo lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, giữa Thụy Điển và Việt Nam, một nước ở tận bờ Baltic và một nước tít bên bờ Biển Đông.
Đại sứ Thụy Điển nhận xét quản lý công ở VN
Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme. Ảnh: Dữ liệu quốc gia Hà Lan |
Câu chuyện về vị Thủ tướng mà người Thụy Điển rất đỗi tự hào được nhắc lại khi nhà ngoại giao kỳ cựu của Thụy Điển, ông Pierre Schori, nguyên trợ lý cho cố Thủ tướng Olof Palme, đang ở thăm VN.
Ai có thể kể lại chuyện một chính trị gia lỗi lạc ở phương Tây đã quay lưng với siêu cường Mỹ để sát cánh bên dân tộc Việt Nam nhỏ bé trong những năm 70 của thế kỷ trước hay hơn ông Schori, người đã ở đó khi cố Thủ tướng Olof Palme đưa ra lựa chọn.
Ông Olof Palme luôn kiên định chính sách không liên minh với các siêu cường, ủng hộ mạnh mẽ các phong trào giải phóng và đánh đổ chủ nghĩa thực dân ở thế giới thứ ba.
Năm 1968, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục, ông dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành chống chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm, bên cạnh Đại sứ Nguyễn Thọ Chân, đại diện của Việt Nam DCCH tại Liên Xô.
Sự kiện chấn động dư luận này đã khiến Hoa Kỳ giận dữ, triệu hồi Đại sứ tại Thụy Điển, còn bản thân ông Palme bị phe đối lập chỉ trích dữ dội.
4 năm sau, khi nghe tin miền Bắc Việt Nam bị máy bay B-52 Mỹ ném bom suốt 12 ngày đêm, ông Palme, lúc này đã là Thủ tướng, đã có bài phát biểu xúc động trên truyền hình quốc gia, thẳng thắn gọi chiến dịch của Mỹ là tội ác lịch sử. Giữa Giáng sinh, quan hệ Thụy Điển - Mỹ lại đóng băng trong hơn một năm.
Ông Olof Palme (giữa) cùng Đại sứ Nguyễn Thọ Chân (bìa trái) trong cuộc tuần hành tháng 2/1968 |
Điều gì đã khiến cố Thủ tướng Olof Palme hành động khác hẳn các lãnh đạo phương Tây vào thời điểm đó? Câu trả lời nằm trong ký ức của ông Pierre Schori: Giữa vòng xoáy của chiến tranh Lạnh, không quốc gia nào có thể đứng ngoài ảnh hưởng của cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô.
Ông Palme, năm 1965, một bộ trưởng nhỏ trong nội các, đã khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chú ý khi phát biểu trước hội nghị đảng Dân chủ xã hội cầm quyền rằng cách nước Mỹ xâm chiếm các nước thuộc địa cũ của chủ nghĩa thực dân và dựng lên những chính phủ bù nhìn như ở miền Nam Việt Nam, là vô đạo đức và chắc chắn thất bại.
"Ngày trẻ khi còn là sinh viên, Olof Palme đã du lịch đến châu Á, nhìn tận mắt sự đói nghèo, và đến nước Mỹ, chứng kiến sự bất công. Ông bước chân vào chính trường với mối quan tâm sâu sắc đến công lý quốc tế", ông Schori kể.
"Chiến tranh Việt Nam đã khiến người Thụy Điển bàng hoàng. Nước Mỹ, đất nước mà Thụy Điển ngưỡng mộ về nhiều mặt, siêu cường mạnh nhất thế giới, lại mang súng đạn đến đàn áp một đất nước nông nghiệp nhỏ bé ở châu Á. Thật không thể tin nổi".
Đó là lý do tại sao ông Palme hành động như đã hành động năm 1968 và 1972, cũng là lý do Thụy Điển trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam độc lập năm 1969, mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1970, dành viện trợ không hoàn lại sớm nhất và lớn nhất cho Việt Nam.
Năm 1974, Thủ tướng Olof Palme chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Stockholm trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới một nước phương Tây, để thể hiện sự ủng hộ với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
"Những gì Olof Palme viết vào Giáng sinh năm 1972 trên bàn ăn ở nhà ông là cảm xúc thật. Ông cũng kêu gọi người dân Thụy Điển tham gia viết bài phản chiến, đích thân thu thập chữ ký của các đảng phải chính trị và người dân vào một bức thư phản chiến. Khoảng 2 triệu rưỡi người, tức một nửa dân số Thụy Điển khi đó, đã ký. Họ chia sẻ những cảm xúc của Olof Palme", ông Schori kể.
Ông Pierre Schori. Ảnh: Tùng Lâm |
Việt Nam trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của cố Thủ tướng Thụy Điển cũng vì với ông, câu chuyện của Việt Nam là ví dụ điển hình cho những điều không nên xảy ra giữa phương Đông và phương Tây, hay giữa các quốc gia với nhau.
Từng trực tiếp tiếp xúc với ông Olof Palme, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người đầu năm 1972 đã từ cuộc đàm phán 4 bên về Việt Nam ở Paris sang Thụy Điển để phát biểu về tình hình chiến tranh Việt Nam theo lời mời của cố Thủ tướng Thụy Điển, cũng ghi nhận điều này.
"Quan điểm của ông rất rõ ràng, dù nước Mỹ rất thân thiết với Thụy Điển - là người anh em họ - nhưng ông không thể tán thành chính sách của Mỹ gây chiến, đem đến bao nhiêu đau khổ cho người dân vô tội ở Việt Nam", bà viết trong tham luận gửi đến một hội thảo về Olof Palme.
Cố Thủ tướng Olof Palme đã ngã xuống trên đường phố Stockholm vì một viên đạn 30 năm trước, nhưng tình bạn ông dành cho Việt Nam vẫn được tiếp tục. Đó cũng là “giá trị mềm” mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảm nhận khi đi học tập kinh nghiệm quản lý của Thụy Điển tại Nhà máy giấy Bãi Bằng trong những năm 1980.
"Thụy Điển giúp Việt Nam đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, cải cách về tài chính - ngân hàng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...", ông Vũ Khoan nói.
Tượng bán thân ông Palme đặt tại tòa nhà mang tên Olof Palme mới khánh thành tại bệnh viện Nhi TƯ, là bệnh viên được xây dựng với sự hỗ trợ của Thụy Điển ngay sau những trận ném bom xuống Hà Nội tháng 12/1972. Ảnh: Tùng Lâm |
Ngoài nhà máy giấy Bãi Bằng, còn có bệnh viện Nhi TƯ, bệnh viện VN-Thụy Điển tại Uông Bí, Quảng Ninh, là những minh chứng cho sự giúp đỡ chân thành và trong sáng của Thụy Điển đối với VN.
Ngày nay, Thụy Điển tiếp tục mở ra những lĩnh vực mới để hợp tác với Việt Nam: kinh tế xanh, kinh tế biển, an ninh hàng hải...
Tình bạn giữa hai đất nước hoàn toàn khác nhau về lịch sử, văn hóa, theo ông Vũ Khoan, lại có thể giải thích bằng chính "hiện tượng Olof Palme", người đại diện cho những giá trị mà hai dân tộc cùng chia sẻ: lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, lòng nhân ái và sự cảm thông.
Chung Hoàng