Trả lời phỏng vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói rằng, sau hơn 2 năm nhận nhiệm vụ, ông đã quen dần với công việc khi triển khai các nhiệm vụ công tác mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Đi vào nội dung “trọng tâm, trọng điểm”

+ Tại nghị trường kỳ họp 8 của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng, công tác thanh tra; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng đã được tập trung triển khai quyết liệt. Là Tư lệnh ngành Thanh tra, nhìn lại năm 2019, ông có thể khái quát những điểm nhấn nổi bật?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Phải nói rằng, với sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Nhờ vậy, vị thế, uy tín của ngành Thanh tra tiếp tục được nâng cao.

Trong năm 2019, số lượng các cuộc thanh tra ít hơn so với các năm trước, nhưng đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách tăng lên, đây là kết quả rất đáng mừng, rất đáng khích lệ.

Toàn ngành đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm về kinh tế hàng trăm ngàn tỷ đồng (tăng 5 lần), kiến nghị thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần) và hàng trăm ha đất; kiến nghị xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Từ đó, chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, điều hành, ban hành chính sách, pháp luật.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã tập trung ban hành, công khai các kết luận thanh tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra Dự án Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2); việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa tại TP Đà Nẵng; việc thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); việc quản lý và sử dụng đất đai, dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà…

Ngành Thanh tra cũng phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đến nay, số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, số vụ việc, số đoàn đông người đều giảm so với cùng kỳ các năm trước (đoàn đông người giảm 4,9%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 12,2%); tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 86,3% cao hơn năm trước và mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền, lợi ích thích đáng cho hàng nghìn tổ chức, cá nhân.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành kế hoạch, thành lập Tổ Công tác chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và tổ chức hội triển khai trên toàn quốc đã góp phần “hạ nhiệt điểm nóng”, bức xúc của người dân.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tích cực đưa Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 vào cuộc sống; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa cũng như phát hiện, xử lý tham nhũng.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

+ Với những kết quả đã đạt được như vậy, trên cương vị Tổng Tư lệnh ngành Thanh tra, ông đã thấy yên tâm?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Những nỗ lực trong công tác của ngành Thanh tra nhận được sự đồng tình, đánh giá cao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tôi rất vui vì điều đó, nhưng chưa thực sự yên tâm vì ngành Thanh tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải lưu ý khắc phục.

“Cán bộ thanh tra phải có bản lĩnh, công tâm”

+ Ông có thể chia sẻ cụ thể những tồn tại của ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng khiến ông còn trăn trở?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Rõ ràng, dù đã có nhiều cố gắng nhưng một số cuộc thanh tra ban hành kết luận còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn chưa tương quan so với sai phạm kinh tế đã phát hiện. Xử lý sau thanh tra có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường; hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; có vụ việc giải quyết còn thiếu chính xác, khách quan, công dân không đồng tình, bức xúc, kéo dài.

Việc thực hiện một số giải pháp phòng, ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Kết quả, phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được kỳ vọng…

Tất nhiên, những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì thẳng thắn thấy rằng, có những nguyên nhân chủ quan. Thực tế, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khi thực thi nhiệm vụ, một số công chức thanh tra không chấp hành nghiêm chỉnh đạo đức - nghề nghiệp, nội quy, quy chế của cơ quan thanh tra, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nhắc lại những điều này để thấy Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ, công chức Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

+ Vậy theo ông, để ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cần phải làm gì?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Tôi nghĩ, trước hết từ chính cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Bác Hồ cũng từng nói, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu gương trong rèn luyện để có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu.

Trong thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, cán bộ thanh tra phải có bản lĩnh, trung thực, công tâm, khách quan để phân tích, đánh giá, kết luận, kiến nghị các biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan thanh tra cũng phải làm tốt vai trò chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sơ hở trong quản lý. Nếu cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của ngành thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, không bao che, dung túng cho vi phạm.

Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành Thanh tra rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bên hành lang Quốc hội. Ảnh: N.Thắng

Tham nhũng thường “ẩn” sâu nên không được chủ quan

+ Như ông chia sẻ, ngành Thanh tra còn rất nhiều việc phải làm. Năm 2020 cũng là năm đất nước có nhiều sự kiện rất quan trọng. Công việc của ngành Thanh tra được đánh giá sẽ phức tạp hơn. Ông có thể khái quát những trọng tâm lớn sẽ triển khai?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Đây cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đất nước có nhiều sự kiện rất quan trọng.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, ngay tháng đầu năm 2020, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra bắt tay vào triển khai thực hiện các kế hoạch.

Theo đó, toàn ngành sẽ tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận, xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng tiếp công dân, tăng cường đối thoại, hướng dẫn, giải thích pháp luật để nâng cao nhận thức của công dân, phấn đấu giảm tỷ lệ công dân khiếu nại sai, tố cáo sai. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có lý, có tình, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng”; phấn đấu giải quyết trên 85% vụ việc thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở.

Thực tế đã chứng minh, nơi nào người đứng đầu làm tốt công tác đối thoại, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho dân thì tình hình sẽ ổn định. Còn nơi nào người đứng đầu không thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nhất là có chi phối của “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng sẽ khiến người dân bức xúc, tình hình sẽ phức tạp. Cho nên, trong năm 2020, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cũng tăng cường thanh tra về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; việc quản lý, thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị theo yêu cầu của Quốc hội; thanh tra hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản; việc thực hiện phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ...

Với công tác phòng, chống tham nhũng, dự báo sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét. Song, tham nhũng vẫn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và thường “ẩn” sâu nên không được chủ quan. Thêm vào đó, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay còn gọi là tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng với tinh thần “không khoan nhượng”, trong năm 2020, ngành Thanh tra sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; thực hiện tốt việc khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Song song với đó, là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính…

Hi vọng năm 2020, ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng sẽ tiếp tục có chuyển biến toàn diện hơn nữa.

+ Thưa ông, nhắc đến hoạt động thanh tra, doanh nghiệp còn phàn nàn về việc phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm. Vậy bài toàn này sẽ được giải như thế nào trong năm nay?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được nói nhiều. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ rất quan tâm giải quyết vấn đề này. Để tránh chồng chéo, năm 2019, Thanh tra Chính phủ chỉ thực hiện 14 cuộc thanh tra thường xuyên, giảm so với năm 2018. Kế hoạch thanh tra năm 2020 tiếp tục giảm số cuộc thanh tra thường xuyên để tập trung vào xử lý các cuộc thanh tra chậm trước kia và các cuộc Thủ tướng giao.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán nên đã khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động.

Về lâu dài, cần phải nghiên cứu tổng thể để xử lý. Vì hiện nay, theo quy định của pháp luật, đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có sự trùng nhau.

+ Cuối cùng, nhân dịp đầu Xuân năm mới Canh Tý, ông muốn nhắn nhủ điều gì đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra?

- Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

: Ngành Thanh tra có truyền thống vẻ vang, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác mà Đảng và Nhà nước đã trao. Năm nay, chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020).

Nhân dịp Xuân Canh Tý, tôi mong muốn, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra tiếp tục hành động, đoàn kết, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tôi cũng gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra cùng gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thành công!

+ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra Chính phủ!

Dấu ấn 2019

- Toàn ngành triển khai hơn 6.600 cuộc thanh tra hành chính và hơn 227.00 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173.000 tỷ đồng, hơn 22.000ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 84.000 tỷ đồng và gần 900ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 1.900 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hơn 3.700 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 7.200 tỷ đồng (đạt 72,2%), 106ha đất (đạt 31,3%), đôn đốc xử lý 969 tập thể, 3.170 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.

- Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp gần 425.000 lượt công dân (tăng 1,6% so với năm 2018); giải quyết 21.333/24.726 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,3% (tăng 2,6% so với năm 2018). Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 66 tỷ đồng, trên 15ha đất; trả lại quyền lợi cho hơn 1.400 người, kiến nghị xử lý hành chính gần 400 người, chuyển cơ quan điều tra 13 vụ, 126 đối tượng.

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan Nhà nước phát hiện 19 vụ, 12 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 4 vụ, 5 đối tượng.

Theo Báo Thanh tra