Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, với lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ.

Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp cao.

Trong một chia sẻ mới đây, bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam, Lào, Campuchia, nhận định Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn của khu vực với việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu liên tục mở rộng việc hợp tác, lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. 

Theo đại diện Ngân hàng thế giới, điều này cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam để trở thành một trung tâm công nghệ của châu Á, từ đó tạo ra các việc làm chất lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

W-World Bank Sherman 2.JPG.jpg
Bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Ảnh: TĐ

Chia sẻ thêm góc nhìn, bà Mariam Sherman cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang trên đà phát triển đầy hứa hẹn và sẽ có đóng góp ngày càng quan trọng trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam có nhiều tham vọng thông qua chiến lược bán dẫn quốc gia. Những thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam là minh chứng cho thấy những điều chúng ta cho rằng bất khả thi đã trở thành hiện thực”, bà Mariam Sherman nói.

Theo vị chuyên gia của World Bank, 4 nhân tố quan trọng sẽ tác động tới sự thành công của chiến lược bán dẫn Việt Nam là việc hội nhập thương mại, sản xuất năng lượng sạch, lan tỏa tri thức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Bằng cách hội nhập với các đối tác toàn cầu, Việt Nam có thể sớm hiện thực hóa các mục tiêu trong ngành bán dẫn. 

Ngành bán dẫn là ngành thâm hụt công nghệ và tri thức. Việt Nam cần có các chính sách tích cực để thúc đẩy chuyển giao tri thức ở những ngành còn xa đường biên công nghệ như bán dẫn, song song đó là nâng cao năng lực hấp thụ tri thức trong nước, thúc đẩy đào tạo nguồn lực chất lượng cao.

Thung lũng Silicon của Mỹ là nơi hình thành cuộc cách mạng số. Ở đó, các doanh nhân không ngừng đưa ra các tri thức và công nghệ mới. Các trường đại học trong khu vực cũng không ngừng cung cấp nhân tài. Đây là mô hình Việt Nam có thể học tập”, đại diện World Bank chia sẻ.

W-chip ban dan qorvo.jpg
Một sản phẩm của ngành công nghiệp bán dẫn được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: TĐ

Theo World Bank, Việt Nam có nền tảng vững chắc để đạt được các mục tiêu về bán dẫn trong chiến lược quốc gia, đó là dân số trẻ, giáo dục chất lượng cao, nhân lực được đào tạo tốt về các môn STEM.

Việt Nam hiện có nhu cầu cấp thiết và tiềm năng để phát triển nhân lực trình độ cao, có khả năng đổi mới sáng tạo với nền tảng chuyên môn sâu rộng.

Với nền tảng vững chắc từ giáo dục phổ thông, bước tiếp theo Việt Nam cần làm là đầu tư cho giáo dục đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Đây là cách Việt Nam có thể chuyển mình từ một trung tâm chế biến chế tạo thành trung tâm công nghệ cao của thế giới.

Ông Clack Tseng, Phó Chủ tịch và phụ trách thông tin thị trường của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) cho hay, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thường nhanh gấp đôi so với mức trung bình của thế giới, điều này cho thấy Việt Nam có nền tảng và động lực tốt cho sự phát triển.

Theo Hiệp hội bán dẫn toàn cầu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành động lực thúc đẩy tiêu dùng ngành bán dẫn.

Trong những năm tới, sự tăng trưởng của ngành bán dẫn có thể đạt mức 20%, hầu hết nhờ vào sự phát triển của chip nhớ, AI. 

Trong thập kỷ qua, ngành bán dẫn đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 7-8%. Tăng trưởng GDP của Việt Nam gấp đôi toàn cầu, như vậy có khả năng tăng trưởng ngành bán dẫn của Việt Nam cũng sẽ gấp đôi toàn cầu. Điều này sẽ có tác động thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á”, chuyên gia của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu nhận định.