Giá vàng trong nước sáng nay ngày 2/4 tiếp tục neo cao và có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp. Nơi bán ra đắt nhất chênh so với nơi rẻ nhất đến 800 nghìn đồng mỗi lượng.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) là 47,05 - 48,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tại DOJI là 46,5 - 47,5 triệu đồng/lượng và ở PNJ là 47 - 48,3 triệu đồng/lượng còn ở Bảo Tín Minh Châu là 47,1 - 48,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng neo cao và có sự chênh lệch lớn song nhu cầu giao dịch trên thị trường thưa thớt do việc cách ly toàn xã hội khiến nhiều doanh nghiệp vàng đóng cửa tạm nghỉ và người dân cũng hạn chế ra ngoài đường.

{keywords}
 

Trên thị trường thế giới, giá vàng đêm qua tăng 0,6% lên quanh 1.585 USD/ounce do nhu cầu tăng trở lại trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lúc 8h50 ngày 02/4 theo giờ Việt Nam, vàng giao ngay đang được giao dịch ở mức 1.586,5 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 là 1.595,30 USD/ounce, giảm 1,60 USD/ounce. Giá bạc kỳ hạn cũng đã giảm 0,076 USD xuống còn 14,08 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 0,6% trong tuần này, sau khi giao dịch trên 1% vào đầu tuần trước. Điều này cho thấy các nhà giao dịch trái phiếu Mỹ đang gặp rắc rối nghiêm trọng, đồng thời cho thấy hầu hết các thị trường đang phải chịu thiệt hại kinh tế chưa từng có từ Covid-19. Lãi suất trên toàn cầu cũng được dự kiến ​​sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài, điều này cho thấy nhu cầu vàng trú ẩn an toàn vẫn còn quan trọng.

Các thị trường khác chứng kiến ​​giá dầu thô WTI giảm và giao dịch quanh mức 20,25 USD/thùng sau khi chạm mức thấp nhất trong 18 năm là 19,27 USD/thùng vào đầu tuần này. Các nhà phân tích năng lượng nhận định rằng vẫn còn tiềm năng giá dầu thô Nymex sẽ giảm đáng kể trong ngắn hạn, trong bối cảnh dư cung và cú sốc cầu. Chỉ số đô la Mỹ đã tăng cao hơn trong sáng sớm hôm nay theo giờ Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua là một tháng có rất nhiều biến động đối với tất cả các tài sản, bao gồm cả vàng. Tuần vừa qua, vàng đã gặp phải một đợt giảm giá lớn khi sự bùng phát Covid-19 làm giảm khả năng vận chuyển hàng không và đóng cửa các trung tâm giao dịch vàng và nhà máy lọc dầu. Nhưng sau khi giảm tạm thời dưới 1.500 USD/ounce, vàng đã hồi phục và sẵn sàng cho một cuộc tăng giá mới.

Hôm qua, BMO Capital Market cũng đã nâng dự báo cho giá vàng. BMO dự đoán giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.660 USD/ounce trong quý II và tăng lên 1.700 USD/ounce trong quý cuối cùng của năm nay. Triển vọng cả năm của ngân hàng cho giá vàng là 1.654 USD và sẽ tăng lên 1.698 USD vào năm tới. "Chúng tôi nhận thấy vàng là "một người hưởng lợi tự nhiên" với lãi suất toàn cầu thậm chí sẽ còn thấp hơn và vẫn sẽ giữ vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong năm 2020."

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cho biết trong một báo cáo về chiến lược thương mại mới nhất của mình rằng, dự báo của họ là vàng sẽ hồi phục đáng kể trong các quý tới 1.650 USD trong quý 2/2020, 1.700 USD trong quý 3/2020, 1.750 USD trong quý 4/2020 và 1.800 USD trong quý 1/2021.

"Dự báo của chúng tôi là vàng sẽ hồi phục đáng kể trong các quý tiếp theo khi hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu không chỉ giảm lãi suất gần bằng 0 mà còn tung ra các gói nới lỏng định lượng lớn. Những kích thích đáng kể này sẽ là "điềm lành" và động lực cho vàng một khi tiền tài trợ giảm dần trong quý II", ông Heng Koon - người đứng đầu chiến lược thị trường của United Overseas Bank nhận định.

Một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần, và cuối cùng sẽ gây rủi ro và làm tăng nhu cầu đối với kim loại màu vàng này bằng cách củng cố vai trò là "nơi trú ẩn an toàn" của nó. Từ góc độ kinh tế, tình hình có vẻ rất ảm đạm khi UOB dự báo suy thoái trong nửa đầu năm 2020 sẽ diễn ra tại gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. "Không cần phải nói nhiều khi sự bùng phát Covid-19 gia tăng trên khắp nước Mỹ và châu Âu khiến triển vọng cho sự phục hồi kinh tế hình chữ V đã giảm đáng kể", ông Heng lưu ý.

(Theo Kitco/ Nhịp Sống Việt)