Có đôi lúc, nhiều người rơi vào trạng thái "Ôi thứ Sáu này có cuộc hẹn phỏng vấn nhưng thật tình mình chẳng muốn đến tham dự chút nào!" Tình trạng này thường xảy ra khi bạn nộp đơn ứng tuyển hàng loạt và trong số đó có những công ty mà bạn chỉ cảm thấy cứ nên nộp dự phòng chứ không hào hứng lắm.
Cũng có thể ban đầu khi đọc mô tả công việc, bạn thấy khá thú vị nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn về công ty bạn lại mất dần hứng thú, hoặc sau đó bạn tìm thấy một nơi làm việc khác có vẻ lý tưởng hơn. Thế nên, khi nhận được lời mời phỏng vấn, cảm giác chỉ muốn cuộn tròn trong chăn thay vì dậy sớm với trang phục chỉnh tề đến công ty đã hẹn khiến bạn cảm thấy hay là thôi bỏ qua không nên tham dự buổi phỏng vấn nữa. Dù vậy, CareerBuilder.vn đã góp nhặt được những lời khuyên từ chuyên gia và họ đều cho rằng ứng viên vẫn nên đến tham dự một buổi phỏng vấn đã lên lịch dù không hề thích.
Bạn có thể tìm thấy cơ hội giá trị không ngờ
Adrian Granzella Larssen, nhà sáng lập của Sweet Spot Content, kể về câu chuyện của bản thân: "Vài năm trước, tôi nhận được điện thoại mời đến tham dự phỏng vấn tại một nhà xuất bản nhỏ chuyên về các ấn phẩm chăm sóc sức khoẻ. Tôi đã tự hỏi đây có phải là cơ hội mơ ước của mình? Thật tình là không một chút nào! Chỉ đơn giản là tôi đang tìm việc làm và kinh nghiệm của tôi thì lại đáp ứng được yêu cầu của vị trí đó, thế nên tôi vẫn quyết định sẽ thử xem sao. Nhưng tôi cũng đã định sẵn trong đầu và nói với chồng mình rằng mọi thứ chắc sẽ diễn ra nhanh thôi bởi chỗ đó có lẽ không ra gì đâu.
Thế rồi khi đến nơi, tôi bị choáng bởi chẳng có điều gì như tôi nghĩ khi văn phòng trông cực kỳ ổn, những người đang làm việc tại đó rất thú vị và không khí trong công ty tràn đầy năng lượng vui vẻ cùng tinh thần khởi nghiệp mà tôi rất thích. Suýt chút nữa thì tôi đã tự bỏ qua cơ hội của chính mình".
Sự thật là bạn chẳng thể đánh giá về nội dung một quyển sách chỉ qua cái nhìn về bìa sách. Một vị trí đăng tuyển từ một công ty nghe có vẻ chẳng tiếng tăm gì, lại cũng không thật sự lớn lắm có khi lại trao cho bạn cơ hội được làm việc trong một môi trường nhiều hứng khởi với nhiều đồng nghiệp tuyệt vời. Thậm chí, có những vị trí xem ra sẽ không sẵn sàng chi trả lương thưởng cao cho bạn lại khiến bạn bất ngờ về mức đề nghị khởi điểm nếu bạn có thể chứng minh được năng lực của mình khi đến dự phỏng vấn. Cơ hội sẽ chỉ đến khi bạn thật sự muốn khám phá.
Tạo cho bản thân kinh nghiệm cọ xát thực tế
Dù không phải ứng viên nào cũng may mắn như lời kể từ Adrian, không phải buổi phỏng vấn nào cũng mang đến cho bạn cơ hội bất ngờ nhưng hãy nhìn nhận việc đến tham dự một buổi phỏng vấn bạn không hề thích ở một khía cạnh khác.
Đây là lúc để bạn thực hành những kỹ năng về thuyết trình, thảo luận, đàm phán lương mà bạn đã đọc và tự học hỏi rất nhiều lần trước đó. Việc cọ xát thực tế này chắc chắn mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm quý giá trước khi bạn thật sự được mời đến một buổi phỏng vấn tiềm năng hơn.
"Trăm hay không bằng tay quen", càng thực hành nhiều thì bạn sẽ càng tiến bộ và khi cơ hội như mong đợi đến với bạn, khả năng thể hiện mình trong một buổi phỏng vấn sẽ rất thuần thục và giúp bạn đến gần hơn với việc chạm tay vào công việc mơ ước.
Có thêm nhiều thông tin nội bộ đáng quý
Cuối cùng, hãy nghĩ về mỗi buổi phỏng vấn dù thích dù không mà bạn tham dự như một cơ hội để bạn có thể hiểu hơn về suy nghĩ thật sự của nhà tuyển dụng. Họ tìm kiếm điều gì ở ứng viên? Họ muốn bạn thể hiện ra sao? Họ đánh giá cao năng lực của bạn ở những mảng nào?
Bạn có thể rút ra nhiều đúc kết thông qua các cuộc trao đổi, tìm cách cải thiện những điểm mình chưa tốt và phát huy thêm những ưu điểm được các phỏng vấn viên chú ý.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi thăm thêm nhiều thông tin về công ty mình đang dự tuyển, có được thêm nhiều tham khảo về lĩnh vực và ngành nghề mình đang theo đuổi mà chẳng cần mất tiền tham gia những buổi toạ đàm nghề nghiệp hay những buổi tư vấn từ các chuyên gia.
Dự một buổi phỏng vấn mình không hề thích không hẳn là một trải nghiệm dễ chịu với nhiều người nhưng nếu bạn tự xem đây là cơ hội để học hỏi và rèn luyện thì mọi chuyện sẽ rất khác. Một đến hai tiếng trò chuyện không hề làm bạn mất thời gian như bạn nghĩ mà nó có thể mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích về sau.
(Nguồn: CareerBuilder)
Ảnh: Internet