Theo đề cương chi tiết của dự thảo Luật, các nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm được đề cập bao gồm: Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong các ngành: dệt may, da – giày, điện – điện tử, cơ khí, sản xuất lắp ráp ô tô; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao; Sản phẩm cơ khí trọng điểm: ô tô, tàu biển, thiết bị điện, thiết bị giao thông đường bộ và đường sắt; Thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới; Vật liệu mới; Sản phẩm, thiết bị năng lượng mới.
Trong tờ trình gửi Chính phủ tháng 11/2024, Bộ Công Thương đã nêu rõ loạt hạn chế hiện nay của ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Theo Bộ, đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm (đến Tháng 11 năm 2015 Chính phủ mới ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP và Tháng 1 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg). Một số vấn đề bất cập, tồn tại, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật ở cấp Nghị địnhchưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…). Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV qua hệ thống ngân hàng phát triển, chính sách hỗ trợ DNNVV trong công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, chưa có dự án nào trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được giải ngân từ nguốn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa… Việc thiếu các cơ chế này khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Bên cạnh đó, công tác thực thi chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế chưa tạo ra các chế tài chặt chẽ buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.
Các chính sách tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nhưng đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Sản xuất công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các bán thành phẩm, phụ thuộc hầu hết vào khách hàng là nhà sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp khó có được các chiến lược thị trường rõ ràng như đối với sản xuất hàng hóa thông thường. Các yêu cầu này làm cho công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực rất khó để bắt đầu khởi tạo sản xuất.
Giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển, nguồn vốn tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam như: doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng …, các doanh nghiệp CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực CNHT thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1-3%, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước phải vay với lãi suất từ 8-10%, sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Mặc dù với vay lãi suất cao hơn các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên các doanh nghiệp CNHT Việt Nam cũng không dễ dàng để tiếp cận với các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới.
Có thể đánh giá đây là một trong những nguyên nhân, rào cản chính khiến các doanh nghiệp CNHT khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn đến việc cản sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khó tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bình Minh