Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 27/8 tuyên bố Ukraine đã thử thành công tên lửa đạn đạo nội địa đầu tiên. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Những tính năng của tên lửa mới hiện vẫn là bí ẩn.
Cách đó vài ngày, Ukraine cũng cho biết đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa lai máy bay không người lái (UAV) tự chế mới mang tên Palianytsia. UAV này được thiết kế để tấn công các sân bay quân sự của Nga, và “tiêu diệt tiềm năng tấn công của đối phương”.
Theo Kyiv Independent, trong nhiều năm qua, Ukraine đã phát triển tên lửa đạn đạo Hrim-2. Mặc dù chưa có thông tin xác nhận, nhưng nhiều nguồn tin suy đoán Hrim-2 chính là tên lửa được dùng trong cuộc thử nghiệm mà ông Zelensky đề cập đến.
Trong bối cảnh các đối tác phương Tây tiếp tục duy trì những hạn chế liên quan tới việc Kiev sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, những tuyên bố từ giới chức Ukraine gần đây cho thấy nước này đang chú trọng phát triển công nghệ quân sự trong nước để tăng cường năng lực đối phó với Nga trong cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm.
Nói về lý do Ukraine muốn có tên lửa đạn đạo của riêng mình, không có gì là bí mật khi Kiev muốn tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga mà nhất là các sân bay, nơi dàn máy bay ném bom Nga cất cánh và phóng tên lửa về phía Ukraine.
Ukraine đã tìm cách tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng UAV. Nhưng theo giới chuyên gia, các UAV di chuyển chậm không thể so sánh với tên lửa tốc độ cao trong việc gây ra thiệt hại cho đối phương, và thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine.
Như hình ảnh trong video đăng trên mạng xã hội hôm 25/8 của Tổng thống Zelensky cho thấy, Nga đã phóng "43.000 tên lửa và bom lượn các loại vào Ukraine" từ các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
"Một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại điều này là tấn công vào các phương tiện mang vũ khí, chính là máy bay Nga tại các sân bay quân sự", nội dung trong video nhấn mạnh.
So với UAV, tên lửa đạn đạo hữu ích hơn vì chúng có tầm bắn xa hơn, và có khả năng mang đầu đạn mạnh hơn để thực hiện nhiệm vụ tấn công dàn máy bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Tên lửa đạn đạo được trang bị động cơ tên lửa, và được phóng lên bầu khí quyển trước khi lao xuống mục tiêu. Tốc độ cực cao là lợi thế của tên lửa đạn đạo khi có thể đạt hơn 3.200 km/h. Điều quan trọng là tên lửa đạn đạo có tầm bắn rất xa, từ 1.000km đến hơn 5.000km.
Nga đang sử dụng một số loại tên lửa đạn đạo như Iskander và Kinzhal. Do di chuyển với tốc độ cao, nên chỉ có một số hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa Nga, và hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất là một trong số đó.
Ukraine hiện có tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp, nhưng bị cấm sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.