Nhưng đây là một phần trong tính toán vì Bắc Kinh kỳ vọng chính sách hào phóng dành cho Tesla sẽ tạo ra các hiệu ứng lan tỏa, giúp các hãng xe điện Trung Quốc phát triển mạnh mẽ giống như cách mà Apple gián tiếp nuôi dưỡng và tạo ra những tên tuổi của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu.
‘Hiệu ứng cá da trơn’
Tesla cũng tận dụng chính sách mới của Bắc Kinh, cho phép các hãng xe nước ngoài thành lập công ty con riêng sở hữu 100% vốn ở Trung Quốc, thay vì phải thành lập liên doanh để chia sẻ công nghệ với các đối tác Trung Quốc như trước đây. Ngoài ra, xe điện được sản xuất từ nhà máy có vốn đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ của Tesla ở Thượng Hải đủ điều kiện để được nhà nước trợ giá giống như xe điện do các đối thủ bản địa sản xuất. |
Khi Trung Quốc cho phép Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, xây dựng nhà máy sản xuất xe điện khổng lồ Tesla Gigafactory ở Thượng Hải vào năm 2018, điều đó giống như thả một con cá da trơn lớn vào một hồ nước yên tĩnh. Sự xuất viện của ‘kẻ ăn thịt đầu bảng’ ngay lập tức đặt các hãng xe điện trong nước vào tình thế sinh tử.
Một số đối thủ của Tesla Trung Quốc bắt đầu lo lắng. Hồi tháng 3 năm nay, William Li, người sáng lập hãng xe điện Nio và được mệnh danh là ‘Elon Musk của Trung Quốc’, cảnh báo Nio có thể không có đủ vốn để trụ lại trên thị trường thêm 12 tháng nữa.
Nhiều vấn đề của Nio là do hãng xe này tự gây ra nhưng chính mối thách thức mà Tesla áp đặt khiến giá cổ phiếu của Nio trên Sàn giao dịch chứng khoán New York lao dốc về thấp đến mức chỉ 1,19 đô la Mỹ vào tháng 10 năm ngoái.
Song sự phục hồi ngoại mục của cổ phiếu Nio, với mức giá 21,76 đô la vào lúc thị trường đóng cửa ngày 1-10 cùng với sự lạc quan trở lại với các nhà sản xuất xe điện trong nước khác, nói lên rất nhiều cách vận hành kinh doanh ở Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk (giữa), chụp hình với các chủ nhân xe điện Model 3 trong một lễ giao xe ở Thượng Hải vào hồi đầu tháng 1-2020. Ảnh: Xinhua |
Cái nhìn sâu xa của Trung Quốc chính là ‘hiệu ứng cá da trơn’ (catfish effect), xuất phát một câu chuyện được trích dẫn và thảo luận nhiều ở Trung Quốc. Câu chuyện này kể rằng ở Na Uy trước đây, cá mòi tươi có giá cao hơn nhiều lần so với cá mòi đông lạnh. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một thuyền trưởng nọ có khả năng đưa cá mòi còn sống vào bờ sau mỗi chuyến đánh bắt mà không ai biết ông ấy đã làm thế nào.
Đến tận khi ông qua đời, người ta mới phát hiện ra bí mật của ông: với mỗi bể chứa cá mòi, ông thả vào một con cá da trơn. Điều này khiến đàn cá mòi phải bơi liên tục để tránh xa con cá da trơn nếu không sẽ bị ăn thịt. Vì luôn vận động nên chúng tránh được tình trạng trì trệ do bị nhốt lâu ngày, và từ đó sống dai hơn.
Bắc Kinh tính toán rằng bàng cách thả ‘con cá da trơn’ Tesla vào thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất xe điện trong nước sẽ vận động mạnh mẽ hơn để cạnh tranh và tồn tại.
Sẽ ra tác động tích cực giống Apple
Trong mắt của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, Tesla sẽ trở thành Apple của ‘ngành công nghiệp ô tô’.
Apple thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng cách mở nhiều nhà máy lắp ráp ở nước này, giúp nuôi dưỡng mở rộng chuỗi cung ứng rộng lớn tại đây vì Apple cần gia công linh kiện tại địa phương để tiết kiệm chi phí. Điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa, trong đó, các công nghệ ban đầu phục vụ cho các iPhone được điều chỉnh và cung cấp cho các đối thủ của Apple tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo...trỗi dậy nhanh chóng trong thập kỷ một phần là nhờ Apple đã liên tục nuôi dưỡng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc với khoảng 380 công ty sử dụng các công nghệ mới nhất.
Sự trỗi dậy của Luxshare-ICT, nhà cung cấp Trung Quốc cho Apple, đang là đối thủ cạnh tranh với nhà sản xuất gia công hàng điện tử khổng lồ Foxconn (Đài Loan) là một ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng mà Apple tạo ra.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng Tesla cũng tạo ra được hiệu ứng lan tỏa tương tự. Họ nhận ra rằng các lợi ích dài hạn từ việc phát triển chuỗi cung ứng xe điện sâu rộng ở Trung Quốc sẽ vượt trội tổn thương ngắn hạn mà các đối thủ bản địa như Nio, WM Motor, Li Auto, Xpeng Motors, BYD đang chịu đựng bởi sự xuất hiện của Tesla.
Chẳng hạn, Tesla đang thu hút các hãng xe lớn của nước ngoài nhập cuộc. Trong tuần này, hãng xe Đức Volkswagen cho biết sẽ cùng với các đối tác Trung Quốc, rót 15 tỉ đô la Mỹ để sản xuất xe điện ở Trung Quốc trong bốn năm tới.
Volkswagen hiểu rằng mảng xe điện của hãng này sẽ trở nên quan trọng trong thời kỳ diễn ra sự chuyển đổi trên toàn cầu rời xa khỏi xe động cơ đốt trong. Volkswagen cũng biết rằng Trung Quốc, với tư cách là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, sẽ quan trọng đối với bất cứ hãng xe nào muốn dẫn đầu doanh số toàn cầu.
Tạo động lực để xe điện phổ cập nhanh hơn
Các hãng xe như Tesla và Volkswagen sẽ chịu áp lực rất lớn để nuôi dưỡng các chuỗi cung ứng xe điện ở Trung Quốc. Bất kỳ nhà sản xuất xe điện nào ở Trung Quốc được chăm sóc bởi chuỗi cung ứng hiệu quả và có công nghệ tân tiến nhất sẽ có cơ hội tốt nhất để sản xuất những dòng xe điện dẫn đầu thị trường.
Với tầm nhìn như vậy, Bắc Kinh không lo ngại trước các số liệu gần nhất cho thấy doanh số xe điện hàng tháng của Tesla ở Trung Quốc đang dẫn đầu rất xa so với các đối thủ bản địa. Trên một phương diện nào đó, đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc.
Dòng xe điện Model 3 của Tesla bán chạy nhất yại Trung Quốc và điều này đã tiếp năng lượng cho thị trường nội địa đến mức việc sở hữu một chiếc xe điện giờ đây trở thành một biểu tượng địa vị của tầng lớp thượng lưu đô thị ở Trung Quốc.
Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự báo một bình minh mới tươi sáng cho thị trường xe điện Trung Quốc. Trong một báo cáo gần đây, McKinsey nhận định đến năm 2022, sẽ có khoảng 3,5 triệu xe điện tiêu thụ ở Trung Quốc, tăng so với con số 1,2 triệu vào năm ngoái.
Tính kinh tế quy mô xuất phát từ doanh số mạnh mẽ sẽ giúp các nhà sản xuất dần giảm giá bán xe điện, tạo động lực để xe điện phổ cập nhanh hơn. Sự hứa hẹn về một thị trường như vậy là lý do chính khiến các chính quyền ở Trung Quốc hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương trong những tháng gần đây.
Chẳng hạn trong tháng 9 này, startup xe điện WN Motor của Trung Quốc, đã huy động thành công 1,47 tỉ đô la từ các nhà đầu tư dẫn đầu là SAIC Motor, một trong công ty sản xuất xe nhà lớn nhất Trung Quốc. Nhiều chính quyền địa phương khác cũng tham gia rót vốn gồm tỉnh Hồ Bắc và các thành phố Tô Châu, Hành Dương, Hợp Phì và Quảng Châu. Điều đó cho thấy rằng dường như niềm tin vào thị trường xe điện ở Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo Nikkei Asian Review / TBKTSG Online)