Từ một mục đích thực tế ban đầu, chiếc lỗ trên mặt mọi chiếc ghế nhựa ngày càng có nhiều tác dụng hơn và ai cũng phải công nhận tầm quan trọng của nó.

Ghế đẩu bằng chất liệu nhựa là thứ đã quá quen thuộc với người Việt Nam, và trên chiếc ghế nào cũng có đặc điểm là một lỗ nhỏ hình tròn, tuy nhiên nhiều người chẳng buồn để ý tìm hiểu vì sao, một số cho rằng chiếc lỗ này đơn giản chỉ để dễ cầm, và một số khác nghĩ sâu xa hơn, cho rằng nó được tạo ra để ngồi đỡ bí và dễ… xì hơi.

Thật ra, mọi thứ vật dụng mà ta đang sử dụng hàng ngày bây giờ đều đã trải qua nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, chiếc ghế nhựa bình dân cũng không phải là ngoại lệ.

Tất nhiên mục đích dễ cầm và vận chuyển là có thật, việc đáp ứng nhu cầu trung tiện có lẽ cũng là có thật - với một số người - nhưng thật ra chiếc lỗ trên mặt ghế này được tạo ra với mục đích chính liên quan đến áp lực khí.

Nếu không có chiếc lỗ này, những chiếc ghế nhựa khi chồng lên nhau sẽ dễ dàng bị “hít”, mắc vào nhau rất khó gỡ ra do hiệu ứng tương tự như chân không được tạo nên từ khoảng trống giữa hai chiếc ghế bị nén lại.

{keywords}

Và vì sao nhất định phải là một lỗ hình tròn? Hình dạng này cũng là kết quả của nhiều thử nghiệm, bởi trong số tất cả thì hình tròn là bền vững nhất.

Hình vuông, hay bất kỳ hình dạng nào khác có góc cạnh đều sẽ dễ bị tập trung lực ở các góc cạnh và dễ dàng bị gãy, vỡ, không chỉ hỏng đồ dùng mà còn hại không tưởng cho người sử dụng.

Trong khi đó, hình dạng tròn có khả năng phân phối và chịu lực tốt hơn nhiều, không chỉ thế còn dễ tạo khuôn hơn.

Bạn cũng có thể để ý thấy kích thước của những chiếc lỗ trên mặt ghế nhựa khá đồng đều, gần như chỉ có một cỡ, và lý do cũng đơn giản chỉ là kích thước quá to sẽ khiến chiếc ghế bị yếu đi, chóng hỏng, còn quá nhỏ thì sẽ gây khó khăn khi muốn cầm lên.

Vậy là từ một mục đích ban đầu, chiếc lỗ trên mặt mọi chiếc ghế đẩu làm bằng nhựa ngày càng có nhiều tác dụng hơn, thực tế và thú vị.

Khi chưa để ý đến, có thể mọi người chỉ cho đó là một chi tiết vô thưởng vô phạt, nhưng biết rồi thì ai cũng phải công nhận tính khoa học và tầm quan trọng của nó!

(Theo goodyfeed/thegioitre/tuoitrethudo)