Ngôi sao mạng xã hội (hoặc do các công ty đứng sau chống lưng) đang sử dụng nhiếp ảnh đường phố làm công cụ cho chiến dịch truyền thông của mình. Giờ đây, dân mạng đã “tỉnh” hơn và quay ra “anti-trend” như cách chế diễu đối với những cảnh dàn dựng.
Trung Quốc bắt đầu nở rộ trào lưu khoe khoảnh khắc “bị chụp trộm”. Họ đăng lên các đoạn video ngắn như thể vừa bị nhiếp ảnh gia đường phố vô tình ghi lại. Một số nhìn ống kính với vẻ ngượng ngùng hay giả vờ quay đi như chưa hề quen biết. Không ít người lại biểu cảm thái quá bằng cách lè lưỡi, mỉm cười ngay trên phố.
Khoảnh khắc “bị chụp trộm” kỳ thực là “nghệ thuật sắp đặt”. |
Mọi thứ như thể chủ nhân của chúng vô tình lướt ngang ống kính của nhiếp ảnh gia thời trang trên các khu phố thời thượng. Kỳ thực, tất cả đều là “nghệ thuật sắp đặt”. Họ tổ chức buổi chụp hình, cố tạo tư thế ngộ nghĩnh, đáng yêu nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
Hiện tượng mới xuất hiện trên hầu hết nền tảng nổi tiếng như Weibo, Douyin, Xiaohongshu hay WeChat. Giới người mẫu đang biến mạng xã hội thành sân khấu riêng nhằm tạo sức hút truyền thông.
Nhiếp ảnh đường phố tại Sanlitun
Trào lưu chụp ảnh đường phố đã xuất hiện tại Trung Quốc nhiều năm qua. Mọi người hay chọn những khu trung tâm mua sắm như Yintai ở Hàng Châu hay Taikoo Li ở Thành Đô làm bối cảnh. Không gian ở đó toát lên vẻ thượng lưu đáng mơ ước.
Một trong những địa điểm thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đường phố là khu Sanlitun tại Bắc Kinh. Họ tụ tập quanh cửa hàng Apple hoặc Uniqlo với “súng ống” cỡ lớn để chụp bất kỳ người đi bộ nào khác biệt.
Các nhiếp ảnh gia đường phố Trung Quốc. |
Cách đây ít năm, Thatsmag đã đặt câu hỏi: “Những người này là ai và họ làm gì với các bức ảnh chụp được?” Tác giả bài báo Dominique Wong phát hiện ra rằng nhiều trong số đó là nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã lớn tuổi đến đây vì muốn thỏa mãn sở thích cá nhân.
Họ đơn giản chụp người qua đường, những bộ quần áo đẹp hay vẻ ngoài độc đáo của ai đó. Nhưng cũng có người đang làm việc cho các blog thời trang hay tạp chí danh tiếng để giúp nắm bắt xu hướng ăn mặc mới nhất ở Trung Quốc.
Người qua đường có thể trở thành hiện tượng Internet chỉ sau một đêm nhờ may mắn lọt vào ống kính các nhiếp ảnh gia. Điển hình cho điều này phải kể đến “Brother Sharp”.
Trình Quốc Vinh vô tình lọt qua ống kính của nhiếp ảnh gia đường phố. Ảnh: Chinasmack. |
Trình Quốc Vinh - được mệnh danh là “hot boy ăn mày” - quê ở Giang Tây. Anh lên Bắc Kinh kiếm sống và trở thành người vô gia cư do hoàn cảnh đưa đẩy. Năm 2010, Trình Quốc Vinh bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ các bức ảnh bị chụp trộm.
Mọi người ấn tượng bởi vẻ điển trai và phong cách ăn mặc khác lạ của “hot boy ăn mày”.
Đường phố trở thành sân khấu lớn
Nhiều người cũng muốn nổi tiếng như thế, nhưng không phải ai cũng may mắn và có nét độc đáo riêng. Vì vậy, họ tự tạo ra “cơ hội” cho mình.
Các công ty và thương hiệu thời trang cũng bắt đầu sử dụng cùng chiêu thức để quảng bá sản phẩm. Theo People's Daily, chỉ riêng tại Hàng Châu đã có hơn 200 nhiếp ảnh gia chuyên “chụp trộm” và hàng trăm nghìn người mẫu đóng vai trò “diễn viên”. Họ có thể được trả từ 3.000 USD đến 4.500 USD mỗi ngày, mẫu ảnh sẽ kiếm nhiều hơn.
Xu hướng “dàn cảnh đường phố” nở rộ từ năm 2015 trở lại đây. Vẫn có những khoảnh khắc chân thực diễn ra tự nhiên, nhưng không thiếu kịch bản dàn dựng lộ liễu. Ví dụ năm 2017, mạng xã hội Trung Quốc lan truyện đoạn video ghi lại cảnh một hot girl bị mắng do mặc trang phục cosplay hở hang trên tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.
Hình trái tim được xếp bằng 50 bịch tã trẻ em. |
Câu chuyện tạo sức hút truyền thông lớn. Mọi người tỏ ra bênh vực cô gái trẻ vì dám thể hiện bản thân, đồng thời khen ngợi vẻ lạnh lùng mặc cho người đời chửi rủa. Tuy nhiên sau đó, cộng đồng mạng phát hiện đó chỉ là cảnh dàn dựng nhờ vào tấm biển quảng cáo phía sau.
Năm 2015, người dùng Internet Trung Quốc phát cuồng với màn cầu hôn lãng mạn của một chàng trai trẻ với bạn gái đang mang thai. Để tạo ấn tượng cho người yêu, anh chàng đã mua 50 bịch tã trẻ em xếp thành hình trái tim, bên trong mỗi bịch là một chiếc nhẫn kim cương.
Tuy nhiên, đó lại là chiêu trò của nhãn hàng Libero Diapers nhằm quảng cáo cho dòng sản phẩm của mình.
Nền kinh tế Wanghong
Chụp ảnh đường phố và video dàn dựng đều là một phần của nền kinh tế "Wanghong", thuật ngữ tiếng Trung để chỉ những người nổi tiếng trên Internet. Tiếp thị dựa vào người có ảnh hưởng đang bùng nổ ở Trung Quốc. Năm 2018, ngành công nghiệp này đạt giá trị 17,16 tỷ USD.
Trở thành một Wonghong sẽ mở ra cơ hội kiếm tiền dễ dàng, nhiều hay ít phụ thuộc vào lượt xem, lượt nhấp và số người theo dõi. Các thương hiệu cũng tìm đến KOL để quảng cáo vì họ sở hữu lượng fan khủng. Năm 2015, stylist Xiao P với tài khoản Weibo 36 triệu lượt theo dõi tính phí 11.000 USD cho mỗi lần đề cập tới sản phẩm.
Theo tính toán của nền tảng marketing PARKLU, một bài đăng được tài trợ trên tài khoản Weibo của người nổi tiếng trung bình có giá 8.700 USD.
Hình thức tiếp thị mới của các doanh nghiệp. |
Giờ đây, nội dung dạng “chụp trộm” trên đường phố càng thu hút truyền thông trực tuyến và doanh nghiệp. Ví dụ, ứng dụng video ngắn Douyin rất thịnh hành các video quay ngoài đường, kèm theo đó là liên kết cho phép người dùng mua trang phục trông giống với nhân vật trong đó.
Một cuộc khảo sát trực tuyến của Tencent cho biết 54% số người được hỏi ở độ tuổi học đại học có tham vọng trở thành người nổi tiếng trực tuyến.
Sàn catwalk ở mọi nơi
Ước mơ trở thành ngôi sao Internet từng xa vời với phần đông cư dân mạng Trung Quốc. Nhưng xu hướng chụp ảnh đường phố “15 phút nổi tiếng” đang chắp cánh cho người trẻ.
Trước đây, mạng xã hội đã có nhiều trào lưu tương tự, như “Thử thách khoe mức độ giàu có” hay “Thử thách khoe vòng eo bằng tờ A4” thu hút đông đảo người tham gia.
Trào lưu “Ngôi sao rơi” khoe mức độ giàu có của bạn. |
Năm 2018, Trung Quốc nở rộ trào lưu “Thử thách ngôi sao rơi”. Những người nổi tiếng chia sẻ hình ảnh họ ngã khỏi xe kèm theo đó là nhiều món đồ đắt tiền được xếp xung quanh.
Cư dân mạng bắt đầu chế diễu trào lưu vì cho rằng đó là sự khoe mẽ. Những người bình thường cũng chụp ảnh tương tự, nhưng thay vào đó họ xếp bằng cấp, chứng chỉ quân sự, sách vở hay cọ vẽ xung quanh.
Để “đấu” lại giới nhà giàu, nhiều bạn trẻ đã đăng hình chụp với những thứ hết đỗi bình thường. |
Tương tự, phong trào thời trang đường phố cũng hứng chịu làn sóng chỉ trích. “Tôi thấy xu hướng này thật đáng xấu hổ, tới mức muốn ném điện thoại đi. Nhưng bản thân tôi không thể ngừng xem chúng”, một người dùng Weibo bình luận.
Để chống lại trào lưu, họ bắt chước quay phim, chụp hình trên phố. Nhưng tác giả chế diễu bằng cách thực hiện các động tác khác lạ, diễn ở những nơi kém sang, ăn mặc bình dân hoặc dựng tình huống gây cười.
Trào lưu “anti-trend” lại thu hút nhờ tính tự nhiên và hài hước. |
Bây giờ, “đi ngược xu hướng” cũng trở thành một xu hướng. Mặc dù kiểu làm này mục đích để chống lại một trào lưu nào đó, đôi khi nó cũng là hình thức thể hiện bản thân của người trẻ mà những mẫu ảnh ở khu Sanlitun giàu có không làm được.
Họ không cần những dãy phố thời thượng, túi xách Chanel để giả làm người mẫu. Ngay cả cánh đồng lúa cũng có thể là sàn catwalk. Chính hành động chống lại xu hướng thời trang đường phố tạo nên nét tươi mới vì cho cảm giác chân thực.
Đặc biệt, người tham gia vốn xuất thân hết đỗi bình thường và tạo dấu ấn nhờ khiếu hài hước.