Chia sẻ trên được Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng đưa ra khi trao đổi với báo chí tại buổi ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội được tổ chức ngày 27/2.
Trả lời câu hỏi của PV “Vì sao phải lắng nghe mạng xã hội?”, ông Lâm Đình Thắng cho biết, chính quyền thành phố luôn luôn muốn lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá thực hiện chính sách.
TP.HCM hiện có 22 triệu tài khoản mạng xã hội. Do có nhiều thông tin trao đổi, tương tác giữa người dân nên cần thiết phải có một công cụ tổng hợp lắng nghe ý kiến để đánh giá về hiệu quả của các chính sách.
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM chia sẻ thêm, phần mềm này giúp thành phố có thể lọc thông tin nhanh hơn theo thời gian thực, tổng hợp nhiều hơn, đầy đủ hơn các ý kiến.
Phần mềm lắng nghe mạng xã hội sẽ tổng hợp các thông tin có phân tích, đánh giá, đưa ra những xu hướng, phân nhóm các sắc thái tích cực, tiêu cực, trung lập và cung cấp những thông tin thô; từ đó các bộ phận tham mưu ở các Sở, ngành, địa phương có liên quan đến chức năng công việc của mình phải phân tích, đánh giá và tham mưu ngược lại cho thành phố để điều chỉnh chính sách kịp thời xuất phát từ nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp.
Trước thắc mắc về vấn đề bảo mật, cũng như đạo đức khi sử dụng phần mềm lắng nghe mạng xã hội này, ông Lâm Đình Thắng cho biết đây là vấn đề được thành phố rất quan tâm khi triển khai.
Sắp tới, thành phố sẽ triển khai các giải pháp về mặt kỹ thuật, gồm phân việc, giám sát quá trình sử dụng các tài khoản và quan trọng nhất là ban hành quy chế sử dụng.
Mục đích sử dụng hệ thống phải gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và trên hết là phục vụ cho chính quyền thành phố, người dân và doanh nghiệp, không được sử dụng vào các mục đích cá nhân sai pháp luật.
Phần mềm lắng nghe mạng xã hội TP.HCM triển khai có khả năng nắm bắt thông tin 70 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 100 nghìn trang tin khác; đồng thời quản lý, nắm bắt thông tin khoảng 150 trang báo điện tử, hơn 1.500 trang tin điện tử tổng hợp và 350 trang mạng xã hội trên địa bàn.
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, phần mềm thống kê các thông tin trên báo chí, mạng xã hội về TP.HCM cho thấy: Kết quả có 65% bình luận tích cực, 25% bình luận trung dung, 10% bình luận tiêu cực từ người dân.