Ngày 20/7, tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 11 về việc Quy định mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn.
Theo đó, sẽ giảm 50% mức thu đối với 6 loại lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn trình) bao gồm: Lệ phí đăng ký cư trú; Lệ phí hộ tịch và lệ phí cấp Chứng minh nhân dân; Lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh; Lệ phí cấp giấy phép xây dựng; Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, đối tượng được miễn, giảm; chế độ miễn, giảm và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện theo quy định hiện hành tại các nghị quyết của HĐND tỉnh. Nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành nhằm kích cầu, thu hút người dân, các doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch hàng ngày. Thái Nguyên đã có 1.036 dịch vụ công tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện cả nước có 5 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định mức thu phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến (TP.HCM quy định mức thu 50% lệ phí; Lạng Sơn là 60% đối với phí, lệ phí; mức thu của Quảng Nam là 50% đối với phí, lệ phí; Thái Bình và Quảng Bình quy định mức thu cụ thể đối với từng loại).
Trao đổi với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, mục đích của việc giảm 50% mức phí dịch vụ công nhằm triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực, thực sự vì người dân, thực sự đi vào cuộc sống.
“Sau khi Nghị quyết về chuyển đổi số ra đời, Thái Nguyên đã nhận được sự đồng tình của người dân và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, điều mong muốn là phải chuyển đổi số thực chất; tuyên truyền người dân cài dặt các ứng dụng để sử dụng hiệu quả, có tương tác, phản hồi. Ví dụ, từ phản ánh của người dân về sự cố một cây cột điện đổ nằm chắn ngang đường, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền sẽ vào cuộc xử lý. Chúng tôi cũng mong nhận được phản hồi của người dân về kết quả sau khi xử lý, thể hiện sự tương tác chặt chẽ, hiệu quả”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Đó cũng là mục tiêu Thái Nguyên đặt ra trong những năm tiếp theo, khi chuyển đổi số được triển khai tại 100% xã phường, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay vì trực tiếp.
“Giảm 50% lệ phí đối với các dịch vụ trực tuyến là một quyết định mạnh dạn của Thái Nguyên. Khi mới thực hiện chuyển đổi số chỉ có 40% dịch vụ công cấp độ 4 đưa lên mạng. Sau 5 tháng, Thái Nguyên đã có 100% dịch vụ công cấp độ 4 đưa lên mạng. Nhưng thực tế số người dùng là bao nhiêu mới là vấn đề. Giống như một con đường hẹp chúng ta xây lên thành đại lộ, có người đi hay không, đó mới là hiệu quả. Câu chuyện chuyển đổi số cũng như vậy”, Bí thư Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, địa phương đã xây dựng các tổ hỗ trợ chuyển đổi số đến từng nhà dân để hướng dẫn bà con cài đặt ứng dụng, thực hiện thao tác trên điện thoại, tuyên truyền những lợi ích thiết thực khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Sự hỗ trợ của hơn 1.000 tổ công nghệ cộng đồng sẽ giúp bà con hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Có những nơi địa bàn tự nhiên rất rộng, đường xá, hạ tầng khó khăn. Người dân trực tiếp đi làm thủ tục hành chính mất nửa ngày mới lên tới xã. Thay vì đó nếu làm trực tuyến, bà con không mất thời gian, không tốn tiền xăng xe, tránh ùn tắc giao thông, lại được giảm 50% phí thì thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn tránh tiếp xúc với cán bộ để hạn chế cơ hội nhũng nhiễu, hạch sách. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới tỷ lệ hồ sơ phát sinh, ví dụ tháng này có 100 dịch vụ nhưng chỉ có 10 hồ sơ, tháng sau phát sinh thêm 20 hồ sơ… Sau 2 năm tiến hành chuyển đổi số, tỷ lệ hồ sơ phát sinh thực hiện trực tuyến của Thái Nguyên là 60%. Một số địa phương vùng sâu vùng xa có tỷ lệ phát sinh hồ sơ lên tới 85% như Võ Nhai", bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, sau mục tiêu xây dựng chính quyền số sẽ là nhiệm vụ tăng tính tương tác của người dân (xã hội số), giúp bà con làm giàu bằng chuyển đổi số. Trong thời gian diễn ra dich bệnh Covid, số lượng tiêu thụ nông sản như chè, miến dong của Thái Nguyên thậm chí còn nhiều hơn so với bình thường nhờ các ứng dụng số hoá trong thương mại điện tử.
"Bộ TT&TT vừa công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021, tỉnh Thái Nguyên tăng 4 bậc so với năm trước, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả của một chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đến tất cả các sở, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp", GĐ Sở TT&TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hoà cho biết. |
Kiên Trung - Thu Hằng (thực hiện)