Làm mới sản phẩm một năm/lần là chuyện bình thường. Nhưng với Samsung, 2019 không chỉ là năm để làm mới sản phẩm: đây là năm gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn chiến lược sản phẩm, tạo ra một "kho vũ khí" đồ sộ để thách thức Apple và các nhà sản xuất Trung Quốc.
Hãy nhìn vào những sản phẩm đã/sắp ra mắt của Samsung, bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt này.
Những chiếc iPhone X, XS, XS Max không chỉ mang về cho Samsung hơn 100 USD doanh thu màn hình mà còn ẩn chứa một bài học quan trọng: không có chiếc smartphone nào là quá đắt cả. Từ 2017 sang 2018, Apple đã chứng minh được rằng ngay cả phân khúc cao cấp cũng có thể phân hóa thành theo nhiều mức giá và tính năng khác nhau.
Samsung đã làm điều đó từ tận 2014 với chiến lược đầu bảng kép áp dụng cho từng thế hệ S, nhưng đến năm nay thì sự phân hóa mới thực sự bùng nổ. Với người dùng dư dả nhưng không quá đỗi dư dả, Samsung có Galaxy S10e để cạnh tranh với iPhone XR. Với người dùng không cần nghĩ đến tiền và mong chờ một trải nghiệm siêu mới mẻ, Samsung có Galaxy Fold. Với những người muốn một trải nghiệm đầu bảng nhưng mọi thứ phải tốt hết mức có thể, Samsung có Galaxy S10 5G.
Kết hợp 3 mẫu mới cùng Galaxy S10 và Galaxy S10 Plus – phiên bản kế thừa tất yếu từ S9 và S9 Plus, gã khổng lồ Hàn Quốc đang sở hữu một danh mục cao cấp đông đảo chưa từng có. Một lần nữa, tư duy nhanh nhạy của Tim Cook đã lại bị Samsung bắt kịp: bất kể bạn có nhiều tiền đến mức nào, Samsung cũng sẽ có một chiếc Galaxy S10 phù hợp với túi tiền của bạn.
Đây là chiếc S10 kém cỏi nhất, nhưng có thể lại mang vai trò quan trọng nhất với Samsung. Với các dòng sản phẩm như Mate 20, Mi 9, Find X hay NEX, các tên tuổi Trung Quốc rõ ràng đang muốn tiến dần lên phân khúc cao cấp. Nhưng giá của các sản phẩm này lại không có cách biệt quá lớn với Galaxy S10e. Bỏ ra thêm 100 hay 200 USD để sở hữu một trải nghiệm Samsung "chính hiệu", chắc chắn nhiều người dùng sẽ phải cân nhắc đến S10e thay vì lựa chọn hàng Trung Quốc.
Có lẽ đến giờ thì bạn đã nhận ra rằng danh mục Alpha cũ đã bị chấm dứt: năm nay, Samsung không còn những cái tên quen thuộc như A5, A6, A8 hay A9 nữa. Thay thế vào đó là số lượng lựa chọn tầm trung đã tăng gần gấp bội, thông qua một cơ chế đặt tên mới: A20, A30, A40, A50, A60, A80, A90...
Đó là thay đổi đáng được đón chào. Trong những năm trước, Samsung chưa bao giờ muốn bứt phá cả: vẫn là cấu hình làng nhàng, vẫn là những sản phẩm không có gì nổi bật so với các đối thủ Trung Quốc. Đến năm nay thì danh mục tầm trung lột xác: màn hình Super AMOLED và pin "khủng" trở thành tiêu chuẩn, dung lượng RAM và chip được nâng lên ngang tầm smartphone Trung Quốc cùng tầm giá. Đáng kinh ngạc nhất, Samsung còn sẵn sàng phá bỏ truyền thống 16:9 để đưa màn hình giọt nước (Infinity-U, Infinity-V) hay thậm chí là camera thò thụt lên dòng A.
Danh mục tầm trung của Samsung năm nay trở nên rối loạn chưa từng có. Với một số lượng đông đảo các sản phẩm gần-nhau-nhưng-khác-biệt, chi phí sản xuất chắc chắn cũng sẽ gia tăng, lợi nhuận của mảng di động sẽ chỉ có thể giảm sút. Nhưng điều đó lại thể hiện quyết tâm lớn của Samsung: sau nhiều năm mờ nhạt, giờ đã đến lúc thực sự nghiêm túc với tầm trung.
Trước khi Galaxy S10 ra đời, một chiếc Galaxy khác đã kịp tạo tiếng vang lớn: Galaxy M20 vừa mở bán đã cháy hàng tại Ấn Độ, thị trường vốn rất chuộng cấu hình (và do đó cũng rất chuộng Xiaomi). Tiếp theo M10 và M30 cũng lần lượt ra mắt, trong đó riêng chiếc M30 thể hiện hơi hướng chạy đua cấu hình thông qua dung lượng RAM lên tới 6GB.
Dòng M đã thay thế hoàn toàn những chiếc Galaxy J, và chúng cũng mang đến một tuyên ngôn mới: trên phân khúc giá rẻ, Samsung quyết "ăn thua đủ" cùng smartphone Trung Quốc trong phân khúc cao cấp. Khác với Galaxy J, Galaxy M sở hữu nhiều thế mạnh thuộc loại rất tốt trong tầm giá, bên cạnh những thế mạnh quen thuộc về màn hình hay camera của Samsung. Sức mạnh tương đồng nhưng lại vượt trội về trải nghiệm hay thương hiệu, Galaxy M hứa hẹn sẽ là đối thủ cực kỳ đáng lo ngại của các hãng Trung Quốc.
Đòn đánh ấy cũng được tung ra rất đúng lúc. Phân khúc giá rẻ đã ngột ngạt đến mức các hãng phải dần tìm đường lên cao cấp để thu lời: Xiaomi ra mắt 4, 5 bản Mi 8 và Mi 9, OPPO có Find X và Reno, Vivo có Apex và iQuoo, Huawei cũng đẩy mạnh quảng bá cho Mate và P... Nhưng giá bán trung bình của smartphone Android vẫn chỉ vào khoảng 200 USD (GfK) - phân khúc giá rẻ vẫn đang chiếm phần quan trọng nhất trong thị phần mỗi hãng.
Liệu Xiaomi, OPPO, Vivo và Huawei sẽ làm gì khi Samsung cũng quyết tâm phá giá? Hãy chờ đợi câu trả lời trong các bài viết tiếp theo.