Nhiều quốc gia quyết định cấm hoặc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, bằng nhiều hình thức khác nhau như đánh thuế cao hoặc tăng các loại phí.

Điển hình là Singapore, đất nước có diện tích nhỏ nhất thế giới và có số lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh. Để kiểm soát tốt giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân đi lại, ngoài việc cung cấp dịch vụ di chuyển công cộng chất lượng cao, các nhà chức trách còn áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt.

{keywords}
Giao thông ở Singapore rất sạch sẽ và thuận tiện.

Với ôtô, chính phủ Singapore áp mức thuế cao hơn nhiều so với các nước khu vực. Chủ xe phải hoàn thành rất nhiều thủ tục như xin chứng nhận lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ. 

Hệ thống chứng nhận sở hữu xe (Certificate of Entitlement - COE) có thời hạn trong 10 năm được áp dụng bắt buộc đối với mọi phương tiện lưu thông trên đường. COE được cấp ra hạn chế và phụ thuộc vào nhiều chỉ số, chẳng hạn lượng xe bị đưa ra khỏi diện cấp phép, tốc độ tăng xe cá nhân tại thời điểm cấp và lượng xe taxi hoạt động.

Không chỉ có vậy, chi phí để có được COE cũng khiến nhiều người muốn xe phải cân nhắc kỹ lưỡng. Để có COE, một người Singapore và người nước ngoài lưu trú dài hạn phải tham gia vào các phiên đấu giá loại chứng chỉ này.

{keywords}
Các phương tiện công cộng ở Singapore phục vụ rất hiệu quả. (Ảnh: Visitsingapore)

Chính phủ Singapore còn áp phí ùn tắc, tuy gây tranh cãi nhưng đã tạo ra thay đổi đáng kể khi lưu lượng xe giảm 45%, số vụ tai nạn giảm 35%, đồng thời tạo ra ngân sách cho tu bổ đường sá và phát triển giao thông công cộng.

Đối với xe máy, tuy chiếm chưa đến 15% tổng số xe đang lưu thông trên đường nhưng phương tiện này vẫn khiến các nhà chức trách Singapore đau đầu vì lượng khí thải phát ra chiếm tới hơn 53%, trong đó những chiếc xe cũ xả khí thải gấp 30 lần so với xe mới.

{keywords}
Xe taxi ở Singapore (Ảnh: Visitsingapore)

Để đạt mục tiêu về chất lượng không khí, thời gian qua, chính quyền khuyến khích dân chúng không sử dụng xe máy cũ có tuổi thọ trên 15 năm. Chính sách được áp dụng là chi 2.000 đôla Singapore cho mỗi người hủy chứng nhận đăng ký xe máy trước 1/7/2003 và tặng thêm 1.500 đôla Singapore nếu chủ xe không đăng ký mới trong 5 năm (tổng cộng là 3.500 đôla Singapore, tương đương 60 triệu VNĐ).

"Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn cố gắng giảm thiểu tối đa lượng phương tiện cũ chạy trên đường, với hy vọng mang lại bầu không khí chất lượng nhất cho mọi người dân", Bộ trưởng Tài nguyên nước và Môi trường Masagos Zulkifli phát biểu hồi tháng 4/2018.

Sau khi chương trình này kết thúc vào ngày 6/4/2023, Cơ quan Môi trường Quốc gia của Singapore (NEA) sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn xả thải trên các loại xe máy cũ. Chi tiết những tiêu chuẩn này sẽ được thông báo trong tương lai. Kế đến, sau ngày 30/6/2028, những mẫu xe không đáp ứng điều kiện sẽ bị cấm lưu thông.

{keywords}
Hệ thống xe buýt hoạt động ở gần như khắp mọi nơi trên đất Singapore. (Ảnh: Visitsingapore)

Ngoài quy định với các phương tiện giao thông cá nhân như trên, Singapore đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm. Đến nay, Singapore đã mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm thêm 30%, bổ sung và trợ giá nhiều tuyến xe buýt mới, đầu tư hàng chục tỷ đôla vào các dự án xây dựng đường sắt mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng các ga đường sắt.

Kết quả là tỷ lệ người Singapore sử dụng xe cá nhân hiện nay thấp hơn nhiều so với ở nhiều quốc gia cùng khu vực dù thu nhập bình quân đầu người rất cao.

Thanh Hảo