Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lý giải vì sao phim tài liệu Việt Nam rất ít khi làm về các chính trị gia.
- Phim tài liệu vốn không phải là "món ăn đại chúng" nhưng các kỳ tổ chức Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam gần đây đều kín chỗ, thậm chí khán giả ngồi xuống cả lối đi. Điều đó có khiến anh ngạc nhiên? Vì sao liên hoan phim này có sức hút lớn như vậy?
Tôi nghĩ những buổi chiếu phim đông khán giả đến như vậy là điều đáng mừng cho điện ảnh tài liệu cũng như những người làm phim tài liệu Việt Nam nói chung. Theo tôi, sức hút chính là cách tiếp cận hoặc những đề tài rất mới của các nước trên thế giới.
Những bộ phim được chọn tham gia liên hoan đều giành nhiều giải thưởng cùng các góc nhìn và cách khai thác mới. Tôi nghĩ đó là "món ăn" mà ai cũng muốn hướng đến và kiếm tìm. Chính vì sức hấp dẫn đó nên trước kia người xem chủ yếu là đối tượng lớn tuổi nhưng hiện nay sau nhiều lần tổ chức khán giả trẻ rất đông.
Phim tài liệu hấp dẫn vì những câu chuyện của đời sống, những vấn đề cả thế giới đang quan tâm như bình đẳng giới, trẻ em, môi trường hay cả chính trị nữa. Tính chân thực của phim tài liệu đã tạo ra sức hút nhất định với khán giả Việt Nam.
- Anh vừa nhắc đến chính trị - lĩnh vực mà tôi thấy phim tài liệu Việt Nam hơi ít, trong khi đây là đề tài rất thu hút các nhà làm phim tài liệu thế giới, gây chú ý gần đây là phim về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại sao phim tài liệu Việt Nam không khai thác mảng đề tài chính trị gia vốn cực kỳ hấp dẫn? Vì khó hay đó là vùng cấm, nhạy cảm?
Vấn đề chính trị, đặc biệt là chính trị gia trong phim Việt Nam cũng có nhưng rất ít. Thực ra, chúng tôi cũng muốn sản xuất những bộ phim này nhưng để khai thác và có thể hoàn thiện thành một tác phẩm phải có sự đồng ý của các cấp lãnh đạo. Bởi khi đã làm về các chính trị gia là làm phim về cuộc đời và những đóng góp to lớn của họ. Ở nước ngoài làm phim để kinh doanh còn ở Việt Nam đa phần có sự đầu tư của Nhà nước để sản xuất các bộ phim hướng đến mục đích tuyên truyền.
- Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam giống như một cuộc đối thoại giữa phim Việt với các nước bạn. Có ý kiến cho rằng chúng ta vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn với các quốc gia châu Âu. Thẳng thắn thì anh thấy chất lượng phim tài liệu Việt Nam thế nào?
Tham dự các cuộc liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng chọn tác phẩm tương đồng về đề tài để có những cuộc đối thoại về văn hóa. Tùy theo chủ đề đưa ra mỗi năm để tìm ra các bộ phim phù hợp, đó cũng là lựa chọn khá khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều năm tổ chức liên hoan phim, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận và thể hiện vấn đề của mỗi bên rất khác nhau. Đầu tiên là sự khác biệt giữa Việt Nam và châu Âu, chưa kể mỗi nước lại có phong cách không giống nhau.
Đặc biệt phim của nước ngoài thường không có lời bình còn phim trong nước từ trước đến nay đa phần sử dụng lời bình. Nhờ giao lưu văn hóa mà các đạo diễn Việt Nam tiếp cận dần với phong cách làm phim quốc tế. Rất nhiều phim của chúng tôi không có lời bình nữa mà sử dụng hoàn toàn lời đối thoại, chia sẻ của nhân vật.
Chúng tôi mong muốn làm sao để kéo lại gần hơn về phong cách thể hiện, văn hóa cũng như các vấn đề khác. Thế nhưng, cách làm phim tài liệu của Việt Nam nặng về tuyên truyền nên khó có thể theo phong cách của họ. Phim Việt thường ngắn tầm 25-30 phút, nhiều lắm chỉ 50 phút, trong khi tác phẩm của nước ngoài có thể từ 80 đến hơn 100 phút. Do đó, họ kể được rất nhiều câu chuyện trong một bộ phim, không bị hạn chế như chúng ta.
Đầu tư ban đầu và mục đích đều khác, dẫn đến việc khai thác cũng khác nhau. Tôi tin trong tương lai gần, cách kể của các nhà làm phim Việt Nam và thế giới sẽ xích lại gần nhau hơn. Chúng ta cũng phải hội nhập và giới thiệu tác phẩm của mình với bạn bè quốc tế, vậy thì phải cùng một ngôn ngữ, một cách tiếp nhận và hiểu biết để có sự tương đồng. Đó là mong muốn của các nhà làm phim nói chung và Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nói riêng.
- Kinh phí là yếu tố quan trọng hàng đầu khi làm các bộ phim có đề tài khó và cần nhiều thời gian, tới nhiều nơi. Đây có phải yếu tố hạn chế chất lượng của phim tài liệu Việt?
Yếu tố đầu tư rất quan trọng. Nước ngoài thường làm phim vài năm còn mình chỉ thực hiện trong vài tháng. Chúng ta phải làm phim theo kế hoạch của Nhà nước còn họ làm theo yêu cầu của nhà đầu tư. Họ đi nhiều nơi, tiếp cận lâu để hoàn thành dự án dài như vậy. Còn chúng ta vừa bị thời gian bó buộc, vừa bị hạn chế bởi kinh phí nên ảnh hưởng đến chất lượng phim, rõ ràng là đi 5 tỉnh quay sẽ rất khác với đi 10 tỉnh. Kinh phí cũng ảnh hưởng đến sự sáng tạo của nhà làm phim.