Suicide contagion (tạm dịch: tự tử lây lan) là quá trình trong đó việc tự sát của một hoặc nhiều người có thể góp phần làm gia tăng hành vi tự sát ở những người khác, đặc biệt là những cá nhân đã có ý định hoặc nguy cơ tự làm hại chính mình.

Hiện tượng này được nhà nghiên cứu xã hội David Philips đặt tên là Hiệu ứng Werther, hay còn gọi là copycat suicide (bắt chước tự tử) vào năm 1974. Nghiên cứu của ông Philips chỉ ra mối liên hệ giữa các vụ tự sát của người nổi tiếng với sự gia tăng tỷ lệ tự tử ở một địa phương hoặc quốc gia.

Nhiều nghiên cứu sau này tiếp tục củng cố luận điểm rằng công khai thông tin chi tiết về một vụ tự tử của người nổi tiếng hay cá nhân bình thường đều có thể làm gia tăng nguy cơ tự sát ở những người khác.

tu tu lay lan anh 1

Nhiều nghiên cứu chỉ ra tính lây lan nguy hiểm của tự tử. Ảnh: Wacharaphong/iStock.

Sai lầm phổ biến

Tháng đầu tiên sau khi Marilyn Monroe chết vì dùng thuốc an thần quá liều vào năm 1962, số người chết do tự tử đã tăng 12%, theo Trung tâm Phòng chống Tự tử. Cái chết của ngôi sao điện ảnh ban đầu được cho là một vụ tự tử nhưng về sau có nhiều nghi vấn về kết luận này.

Các nhà nghiên cứu cũng ước tính cái chết do tự sát năm 2014 của nam diễn viên Robin Williams đã góp phần làm tăng 10% số vụ tự tử trong 4 tháng sau đó.

Nghiên cứu năm 2017 được đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine chỉ ra số lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan tới tự vẫn tăng vọt sau khi 13 Reasons Why, phim kể về nữ sinh bất ngờ kết liễu cuộc đời mình và để lại 13 cuộn băng tương ứng với 13 lý do cô ra đi, trở nên nổi tiếng.

Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin quá nhiều về việc người dân ở Vienna, Áo, tự sát trên đường sắt, nhiều người đã làm điều tương tự. Các hướng dẫn về việc đưa tin tự sát trên phương tiện truyền thông được đưa ra sau đó đã giúp tỷ lệ tự tử giảm mạnh tới 81%.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Society and Mental Health vào năm 2019 đã chỉ ra sai lầm phổ biến mà mọi người có thể mắc phải khi tự sát xảy ra trong cộng đồng: Bình thường hóa những cái chết này. Điều đó dẫn đến tự tử lây lan.

tu tu lay lan anh 2

Số lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan tới tự vẫn tăng vọt sau sự thành công của bộ phim "13 Reasons Why".

Đồng tác giả nghiên cứu Seth Abrutyn, phó giáo sư xã hội học tại Đại học British Columbia, Canada, cho biết: "Khi có một cái chết bất ngờ, mọi người sẽ tập trung chú ý. Họ cố gắng hiểu những gì đang xảy ra. Và khi làm vậy, các thành viên trong cộng đồng có thể vô tình góp phần vào việc lây lan tự sát".

Nghiên cứu Social Media and Suicide: A Public Health Perspective của nhà tâm lý học lâm sàng David D. Luxton cho thấy Internet và mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi tự sát.

Năm 2000, một vụ tự vẫn tập thể ở Nhật Bản lan truyền trên Internet. Từ đó, những vụ việc tương tự không ngừng gia tăng, từ 34 vụ vào năm 2003 đã tăng lên 91 trường hợp được ghi nhận trong năm 2005.

Tại Hàn Quốc, hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, 1/3 số vụ tử sát bắt nguồn từ những bài đăng về tự tử, tự làm hại bản thân trên mạng xã hội.

"Một xu hướng mới xuất hiện cần phải lưu tâm là mọi người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thư tuyệt mệnh. Những chia sẻ đau đớn của các cá nhân để lại trên mạng xã hội được chia sẻ tới công chúng ngay lập tức với tốc độ chóng mặt. Chúng có thể ảnh hưởng đến quyết định của những người dễ bị tổn thương đang ở trong tình cảnh tương tự", nhóm nghiên cứu nhận định.

Sự lây lan ở những người cùng tuổi

Theo Madeyln Gould, giáo sư dịch tễ học và tâm thần học tại Đại học Columbia, Mỹ, chuyên về các chiến lược ngăn chặn tự sát, tự tử lây lan chiếm ít nhất 5% số vụ tự vẫn của thanh niên mỗi năm.

Trong cuốn sách The Contagion of Suicidal Behavior, Gould cho biết sự lây lan thường xảy ra ở các nhóm đồng trang lứa.

Một nghiên cứu của Tổ chức Phòng chống Tự tử cho thấy rằng tin tức về tự vẫn có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% số ca tử vong do tự sát của những người dưới 25 tuổi.

Nguy cơ tự tử tăng lên khi các câu chuyện trên phương tiện truyền thông sử dụng tiêu đề hoặc hình ảnh kịch tính, liên tục đưa tin về cùng một vụ tự tử, mô tả rõ ràng phương pháp và kịch tính hóa, lãng mạn hóa cái chết.

tu tu lay lan anh 3

Thay vì chia sẻ quá nhiều về các vụ tự tử, mọi người cần nói nhiều hơn về giải pháp, cách khắc phục nỗi đau tinh thần. Ảnh: LA Johnson/NPR.

Các vụ tự tử của những người nổi tiếng có nhiều khả năng thúc đẩy việc bắt chước hơn sự ra đi của cá nhân bình thường. Một phân tích xem xét 10 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tự tử tăng 0,26% trong những tháng sau khi người nổi tiếng tự sát.

Seth Abrutyn, phó giáo sư xã hội học tại Đại học British Columbia, Canada, nói rằng phản ứng của công động trường một cái chết do tự tự có tác động rất lớn đến sự lây lan, bắt chước.

"Những câu chuyện về khả năng phục hồi có tác dụng bảo vệ tích cực. Có nghĩa là thay vì tưởng niệm hoặc tôn vinh những người đã chết vì tự tử, chúng ta cần nhấn mạnh rằng có nhiều cách để nhận được sự giúp đỡ".

Ngoài ra, theo ông Abrutyn, điều quan trọng là tránh kỳ thị nỗi đau tinh thần để khuyến khích những người đang gặp khó khăn tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực.

(Theo Zing)

Nỗ lực xóa bỏ các clip tự tử

Nỗ lực xóa bỏ các clip tự tử

Nhiều nước có quy định cấm lan truyền, chia sẻ hình ảnh những vụ tự sát. Các nền tảng mạng xã hội có thể chịu trách nhiệm pháp lý nếu xử lý chậm trễ.