Cụ thể, trong công văn hướng dẫn mới nhất ngày 13/12, Bộ GD-ĐT yêu cầu, đối với lớp 1 và lớp 2, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch. Các trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GDĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.

Trước thông tin này, một số phụ huynh cho rằng, học sinh lớp 1 là lứa tuổi không cần quá khắt khe về điểm số, chưa kể thời gian qua, nhiều nơi chủ yếu học trực tuyến, nên chăng, việc kiểm tra cũng nên linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số nơi.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT: Kiểm tra để đánh giá thực chất việc dạy học

Trao đổi với VietNamNet, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, với những khối lớp đầu cấp tiểu học, không có bài kiểm tra giữa kỳ nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ rất quan trọng, giúp đánh giá cả quá trình dạy học và đánh giá lại quá trình đánh giá thường xuyên.

“Đánh giá định kỳ đối với lớp 1 và lớp 2 là việc để khẳng định lại kết quả của việc đánh giá thường xuyên. Do đó, trong văn bản hướng dẫn, chúng tôi có nêu rõ việc đánh giá định kỳ chỉ được thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập; được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học) và được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương”, ông Tài nói.

Đánh giá định kỳ đối với lớp 1 và lớp 2 sẽ chỉ có 2 bài kiểm tra đó là môn Toán và Tiếng Việt. Mục đích của bài kiểm tra định kỳ này là để kiểm soát và khẳng định lại quá trình tổ chức dạy học.

“Cũng chỉ có 2 bài là bài kiểm tra môn Toán và bài kiểm tra môn Tiếng Việt và như thế sẽ rất nhẹ nhàng. Khi kiểm tra 2 môn này, nhà trường phải xây dựng kế hoạch và phổ biến tới phụ huynh, học sinh để thống nhất chia nhỏ lớp như thế nào, đến trường tổ chức ra sao. Việc đầu tiên phải tổ chức ôn tập, sau đó hướng dẫn kỹ năng làm bài, việc thứ ba mới là tổ chức bài kiểm tra. Chứ không phải khi các em đến trường là kiểm tra ngay”.

{keywords}
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT

Theo ông Tài, việc kiểm tra định kỳ này nhằm mục đích cuối cùng là đánh giá đúng thực chất quá trình tổ chức dạy học cho học sinh lớp 1 và lớp 2.

“Mục đích để xem sau quá trình học tập, học sinh có thực chất đạt được kết quả đó hay không. Nếu chất lượng được phản ánh thực thì cho các em lên lớp. Nếu không, thì để có kế hoạch để bồi dưỡng, bổ sung cho các em trước khi lên lớp, tránh trường hợp ngồi nhầm lớp”, ông Tài nói.

Ông Tài cho hay, việc này không phải là Bộ GD-ĐT “không tin tưởng giáo viên” hay “sợ giáo viên cho học sinh ngồi nhầm lớp”.

“Việc này nhằm để xem nếu học sinh chưa đạt yêu cầu thì giáo viên phải điều chỉnh kế hoạch dạy học đối với học sinh. Ở đây chúng ta nên hiểu là vì quyền lợi và chất lượng học tập thực của trẻ. Mặt khác, tại sao chúng ta không nhìn ở góc độ việc kiểm tra định kỳ này sẽ là minh chứng tôn vinh chất lượng giáo dục trực tuyến, học qua truyền hình của các thầy cô. Nếu qua quá trình học trực tuyến, học qua truyền hình, học sinh khi kiểm tra định kỳ trực tiếp vẫn đạt kết quả tốt thì thầy trò rất đáng được tôn vinh”, ông Tài chia sẻ.

Về yếu tố dịch bệnh, ông Tài cũng nhấn mạnh, công văn này hướng dẫn để triển khai cho toàn quốc chứ không riêng cho địa phương nào.

“Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện”.

Thanh Hùng

Phụ huynh lớp 1, 2 băn khoăn việc cho trẻ đến trường kiểm tra học kỳ

Phụ huynh lớp 1, 2 băn khoăn việc cho trẻ đến trường kiểm tra học kỳ

Việc Bộ GD-ĐT ra hướng dẫn các trường cho học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp đã khiến phụ huynh ở những vùng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cảm thấy lo lắng.