Nhiều nhà phân tích đã cố gắng làm rõ lí do tại sao ông Trump lại muốn Mỹ thâu tóm Greenland và tại sao lại công khai ý định đó vào thời điểm này.
Theo BBC, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, tọa lạc ở Bắc Cực. Đây là vùng lãnh thổ thưa dân nhất thế giới, với dân số khoảng 56.000 người, chủ yếu thuộc dân tộc Inuit bản địa. Khoảng 80% lãnh thổ của Greenland bị băng bao phủ, nên hầu hết cư dân sinh sống ở vùng bờ biển phía tây nam hòn đảo, quanh thủ phủ Nuuk.
Dù về mặt địa lý, Greenland thuộc khu vực Bắc Mỹ và nằm cách Đan Mạch gần 3.000km, nhưng hòn đảo nằm dưới sự kiểm soát của quốc gia Bắc Âu suốt 300 năm qua. Cho đến giữa thế kỷ 20, Copenhagen vẫn quản lý Greenland như thuộc địa. Trong phần lớn thời gian này, hòn đảo bị cô lập và trong tình trạng nghèo nàn.
Năm 1953, Greenland chính thức được công nhận là vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Đan Mạch và người dân Greenland trở thành công dân Đan Mạch. Đến năm 1979, một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quản đã trao cho Greenland quyền kiểm soát hầu hết các chính sách trong lãnh thổ, nhưng Copenhagen vẫn giữ quyền quyết định các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của đảo.
Là một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, đây cũng là nơi đặt các căn cứ quân sự của cả Đan Mạch và Mỹ. Nền kinh tế của Greenland chủ yếu dựa vào đánh bắt cá và các khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ Đan Mạch chiếm khoảng 1/5 GDP của hòn đảo.
Trong những năm gần đây, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Greenland, bao gồm cả đất hiếm, uranium và sắt, ngày càng thu hút sự quan tâm. Những nguồn tài nguyên này có thể dễ tiếp cận hơn khi hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tan chảy một số lớp băng bao phủ đảo.
Lí do Greenland quan trọng đối với Mỹ
Mỹ từ lâu đã duy trì lợi ích an ninh ở Greenland. Sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng phần đất liền Đan Mạch trong Thế chiến thứ 2, Mỹ đã xâm chiếm Greenland, thiết lập các trạm quân sự và đài phát thanh trên khắp hòn đảo.
Sau chiến tranh, lực lượng Mỹ vẫn ở lại Greenland. Mỹ đã cho vận hành căn cứ vũ trụ Pituffik, tên cũ là căn cứ không quân Thule, kể từ đó. Năm 1951, một thỏa thuận quốc phòng với Đan Mạch đã trao cho Mỹ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng lãnh thổ này, bao gồm quyền xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự.
"Nếu Nga phóng tên lửa về phía Mỹ, tuyến đường ngắn nhất để triển khai vũ khí hạt nhân đáp trả sẽ là qua Bắc Cực và Greenland. Đó là lí do tại sao căn cứ vũ trụ Pituffik lại vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ Mỹ", Marc Jacobsen, giáo sư tại Cao đẳng Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch giải thích.
Theo một bài báo của Viện Bắc Cực, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu xây dựng năng lực quân sự ở Bắc Cực trong những năm gần đây. Bài báo kêu gọi Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện của nước này ở Bắc Cực để chống lại các đối thủ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định, nước này sẵn sàng thảo luận với Mỹ, đồng thời lưu ý Washington có những lợi ích "hợp pháp" trong khu vực.
Giáo sư Jacobsen nhận định, ông Trump cũng có thể quan tâm đến tiềm năng khai thác tài nguyên trên khắp vùng đất rộng lớn của Greenland. Học giả này nói, thứ được đặc biệt quan tâm là các khoáng sản như đất hiếm, vẫn chưa được khai thác ở phía nam hòn đảo. Đất hiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi loại công nghệ, từ sản xuất điện thoại di động đến tua-bin gió.
Mỹ muốn kiểm soát hoàn toàn Greenland?
Ông Trump tuyên bố, việc kiểm soát Greenland là điều cần thiết đối với an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ. Mặc dù lời lẽ của vị tổng thống thứ 47 làm “dậy sóng” dư luận nhưng trong hơn một thế kỷ, một loạt các tổng thống Mỹ đã cố gắng giành quyền kiểm soát hòn đảo này.
"Mỹ từng vài lần cố gắng đẩy người Đan Mạch ra khỏi Greenland và tiếp quản hòn đảo như một phần của xứ sở cờ hoa hoặc ít nhất để có toàn quyền giám hộ an ninh đối với Greenland", Lukas Wahden, tác giả của 66° North, một tờ tin tức về an ninh Bắc Cực, cho biết.
Năm 1867, sau khi thu mua Alaska từ Nga, Ngoại trưởng Mỹ khi đó William H Seward đã dẫn đầu các cuộc đàm phán để mua lại Greenland từ Đan Mạch, nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Năm 1946, Mỹ đã đề nghị trả 100 triệu USD (tương đương 1,2 tỷ USD ngày nay) để có quyền sở hữu vùng lãnh thổ này, nhưng chính phủ Đan Mạch vẫn từ chối.
Ông Trump cũng đã cố gắng mua lại Greenland trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Song, cả Chính phủ Đan Mạch và chính quyền Greenland đều từ chối đề xuất năm 2019, quả quyết "Greenland không phải để bán".
Người dân Greenland nghĩ gì?
Khi ông Trump lần đầu tiên nêu ý tưởng mua Greenland vào năm 2019, nhiều người dân địa phương đã lên tiếng phản đối đề xuất này.
Theo Kuno Fencker, một thành viên của Inatsisartut (cơ quan lập pháp của Greenland), ông không coi những phát biểu mới đây của ông Trump là một mối đe dọa. Là người ủng hộ Greenland độc lập, ông cho rằng vùng lãnh thổ có quyền tự trị này có thể chọn hợp tác với Mỹ về quốc phòng.
Cả Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ hiến vùng Greenland Mute Egede tuần trước đều bác bỏ khả năng bán hòn đảo cho Mỹ, dù khẳng định sẵn sàng đàm phán với tân lãnh đạo Nhà Trắng. "Greenland dành cho người dân Greenland. Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch và cũng không muốn trở thành người Mỹ", ông Egede nhấn mạnh tại một cuộc họp báo chung với bà Frederiksen hôm 10/1.