Trong khi thế vận hội Tokyo có các thiết bị điều hòa không khí trong mọi phòng, Olympic Paris 2024 lại không. Điều này khiến nhiều vận động viên và người hâm mộ thể thao băn khoăn có ảnh hưởng tới sức khoẻ khi thời tiết mùa hè nóng nực?

Là một phần trong mục tiêu biến Olympic Paris 2024 trở thành thế vận hội “xanh nhất” từ trước đến nay, ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris 2024 quyết định không sử dụng điều hòa tại Làng vận động viên. Ông Laurent Michaud, Giám đốc Làng vận động viên, khẳng định điều hòa là không cần thiết vì lớp cách nhiệt sẽ giữ cho tòa nhà mát mẻ và duy trì nhiệt độ phòng ở mức thích hợp.

Các phòng của vận động viên sử dụng vật liệu cách nhiệt hiệu suất cao và tấm che nắng, cũng như hệ thống ống nước ngầm kết nối với một nhà máy điện địa nhiệt tại địa phương, lấy nước mát từ bên dưới bề mặt vào mùa hè và nhiệt từ sâu dưới lòng đất vào mùa đông.

Nếu bật quạt, nhiệt độ trong phòng sẽ duy trì ở mức 26-28 độ C ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 38 độ C.

phong van dong vien .jpg
Phòng của các vận động viên. Ảnh: DM

Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khẳng định, các vận động viên sẽ có giấc ngủ ngon mà không cần điều hòa, dù nhiệt độ tháng 7 tại thủ đô nước Pháp có thời điểm lên tới hơn 40 độ C.

Theo Runner's World, so với hệ thống điều hòa không khí thông thường, công nghệ sàn địa nhiệt tại Làng vận động viên có thể giảm tổng lượng phát thải carbon gần một nửa.

Làng Olympic 2024, dự kiến chào đón khoảng hơn 20.000 vận động viên trong suốt Olympic và Paralympic. 

Thế vận hội “xanh nhất" lịch sử

Trong kỳ Olympic lần này, Paris đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính so với 2 kỳ trước đó là Rio 2016 và London 2012, ước tính trung bình là 3,5 triệu tấn CO2 xuống còn 1,75 triệu tấn. Đây sẽ là một kỳ thế vận hội “xanh” nhất trong lịch sử, phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris (Pháp).


Lượng khí thải thấp ​tại Tokyo 2020 vì không có khán giả. Biểu đồ: Duy Anh

Thực tế, nguồn phát thải lớn nhất là phương tiện đi lại tham gia sự kiện Olympic và xây dựng cơ sở hạ tầng, các toà nhà. Theo ban tổ chức ước tính, lượng khí thải carbon của Thế vận hội 2024 gồm 3 phần chính: giao thông đi lại, xây dựng hạ tầng và hoạt động của con người như ăn uống, chỗ ở, hậu cần, an ninh,...


Biểu đồ: Duy Anh

Ban tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 tìm mọi cách để quyết tâm cắt giảm khí thải. Giải pháp đầu tiên là hạn chế xây dựng. Trong số 26 địa điểm thi đấu, 95% là cơ sở cũ hoặc tạm thời. Với những tòa nhà phải xây dựng, ban tổ chức yêu cầu thiết kế để thải ra ít CO2 hơn. 

Tại Trung tâm thể thao dưới nước mới được xây dựng, kiến trúc sư Laure Mériaud cho hay, đây là công trình ít carbon, mang tính đột phá, được thiết kế hài hoà với cảnh quan xung quanh ở vùng ngoại ô Saint-Denis của Paris. “Không chỉ là cải tiến kỹ thuật, mà còn tạo ra một không gian xanh hơn, dễ chịu hơn cho cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương sau thế vận hội”, kiến trúc sư nói.

Trung tâm thể thao dưới nước là một trong những công trình xây dựng mới nhưng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới môi trường. Trung tâm được xây dựng bằng khung gỗ, lắp đặt tấm pin quang điện trên mái nhà và chỗ ngồi làm từ vật liệu tái chế tại địa phương. 

Chuẩn bị chào đón vận động viên, làng Olympic ở ngoại ô phía bắc Paris đã cam kết giảm 30% lượng khí thải carbon. Các hệ thống cung cấp 100% năng lượng tái tạo được lắp đặt như quang điện, hệ thống địa nhiệt, máy phát điện chạy bằng nhiên liệu sinh học và điện tái tạo.

Ngoài ra, ban tổ chức đã lắp đặt các khung giường từ bìa cứng có độ chịu lực 140kg, nhằm hạn chế rác thải và chi phí vận chuyển. 

lang van dong vien .jpg
Làng vận động viên thân thiện với môi trường. Ảnh: DM

Liên quan tới phục vụ ăn uống, hai phần ba số bữa ăn cho người hâm mộ và một nửa số bữa ăn dành cho nhân viên và tình nguyện viên Olympic sẽ là đồ chay, điều này giảm một nửa tác động carbon, và 25% sản phẩm sẽ là đồ địa phương. Nhựa dùng một lần sẽ bị cấm và sẽ có chương trình hoàn trả tiền đặt cọc cho hộp đựng thức ăn và đồ uống.

Phần lớn lượng khí thải của Thế vận hội từ giao thông. Để giảm thiểu điều này, hầu hết các địa điểm sẽ cách Làng Olympic 10km và có thể tiếp cận bằng phương tiện giao thông công cộng cho khán giả. 

Trong khi đó, hãng hàng không Air France, đối tác vận chuyển chính thức, cam kết sẽ đóng góp tương ứng cho chương trình Nhiên liệu hàng không bền vững của hãng do khách hàng bay đến Pháp trong thời gian diễn ra thế vận hội.

Ngoài ra, để bù trừ carbon, ban tổ chức có kế hoạch tài trợ cho các dự án tái trồng rừng, bảo tồn rừng và phát triển năng lượng tái tạo tại Pháp và nước ngoài để bù đắp 100% lượng khí nhà kính do sự kiện này thải ra.

Theo Carbon Market Watch, thế vận hội Olympic cần phải cắt giảm 60% lượng khí thải vào năm 2036 để phù hợp với tham vọng của Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C.

(Theo Context, Gurdian)