Lãnh đạo các nước Anh, Đức và Israel đều hiện diện ở đó. Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama không tới dự cuộc tuần hành đoàn kết ở Paris ngày 11/1 sau khi nước Pháp rúng động bởi 3 ngày bị khủng bố liên tiếp.

TIN BÀI KHÁC:

Thông tin cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người có mối quan hệ thân thiết với nước Pháp, cũng không có mặt. Ông Kerry đã ở Ấn Độ, dự một hội nghị doanh nhân với tân Thủ tướng Narendra Modi, người mà Mỹ hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ thương mại.

{keywords}
Các nhà lãnh đạo thế giới tay trong tay tham gia cuộc tuần hành đoàn kết chống khủng bố ở Paris. (Ảnh: CNN)

CNN đưa tin, đại diện Mỹ tham gia tuần hành đoàn kết chống khủng bố ở Paris là đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley. Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder cũng có mặt ở Paris, dự một hội nghị an ninh bàn cách chống khủng bố. Ông đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn được một số hãng tin Mỹ đăng tải nhưng không thấy xuất hiện tại cuộc tuần hành.

Không ai trong chính quyền Obama nói về sự hiện diện của Mỹ tại sự kiện lớn này.

"Bộ trưởng Tư pháp Holder - một quan chức cấp Nội các - đại diện cho Mỹ tại các hội nghị an ninh ở Paris hôm nay. Ông tham gia cùng Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa [Alejandro] Mayorkas. Đại diện Mỹ tại cuộc tuần hành là đại sứ Hartley", một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama xác nhận như vậy.

Quan chức này nói thêm: "Các dấu hiệu công khai của Mỹ về tinh thần đoàn kết với Pháp đến thời điểm này là - một số thông điệp từ Tổng thống, cuộc gọi của ông tới Tổng thống Pháp Hollande và lời chia buồn gửi tới sứ quán Pháp".

Đêm ngày 11/1, một quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên cho biết: "Đáng lưu ý, các yêu cầu an ninh dành cho cả Tổng thống và Phó Tổng thống có thể bị sao lãng bởi những sự kiện như thế".

Hàng trăm nghìn người đã dự cuộc tuần hành ở Paris trong ngày 11/1, vẫy quốc kỳ Pháp và cờ của một số nước khác. Trong số hơn 40 lãnh đạo thế giới tham gia có Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cùng nhiều lãnh đạo tôn giáo khác.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, người dẫn chương trình "Global Public Square" Fareed Zakaria gọi sự vắng mặt của các quan chức cấp cao Mỹ là một "sai lầm". Theo ông, Pháp là một đồng minh ý thức hệ sâu sắc nhất của Mỹ và sẽ là một hình ảnh vô cùng ý nghĩa khi có một thành viên cấp cao trong chính quyền Washington, hoặc Tổng thống, đứng kề vai sát cánh với các nhà lãnh đạo khác.

Zakaria nhấn mạnh, lo ngại an ninh không ngăn được ông Netanyahu hay ông Abbas và nhiều nguyên thủ thế giới khác tới Paris dự sự kiện quan trọng này.

Tuy nhiên, việc ông Obama vắng mặt cho thấy một điều: cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan "không phải đều về nước Mỹ".

"Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng khủng bố Hồi giáo sẽ không tồn tại nếu không có nước Mỹ", Zakaria nhận xét. "Đây là một cuộc đấu tranh giữa thế giới văn minh và một băng đảng cực đoan. Nay cả nếu bạn không tính đến nước Mỹ thì thế giới văn minh vẫn phải cầm vũ khí đứng lên".

Từ bang Tennessee, Tổng thống Obama bình luận về các cuộc tấn công khủng bố ở Paris rằng ông muốn người dân Pháp biết Mỹ "đứng bên cạnh các bạn hôm nay, và cả mai sau".

Cùng ngày 11/1, Nhà Trắng ra thông báo sẽ chủ trì hội nghị ngày 18/2 với chủ đề bàn cách chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Thanh Hảo