Ở TQ hiện nay thậm chí đã xuất hiện khái niệm "tự tử vị tha" trong hàng ngũ quan chức.
Ảnh: wordpress |
Ngày 13/11, phó chính ủy quân đội TQ cũng là phó đô đốc Mã Phát Tường đã tự sát bằng cách gieo mình từ một tòa nhà của lực lượng hải quân ở Bắc Kinh. Cũng trong tháng này, ít nhất hai quan chức quan trọng khác của TQ cũng tự vẫn. Họ nằm trong số hơn 40 quan chức đã tự kết liễu cuộc đời kể từ tháng 1 năm nay, tăng hơn gấp đôi tổng số người tự vẫn trong cả năm 2011.
Sự thiếu minh bạch trong đội ngũ cán bộ quan chức TQ khiến việc tìm ra nguyên nhân cụ thể rất khó khăn. Phần lớn các trường hợp tự vẫn được chính thức công bố là do trầm cảm hay áp lực. Nó trái ngược rõ ràng với nhìn nhận của người dân và giới học giả TQ - khi kết nối các vụ việc này với những bê bối tham nhũng.Một cuộc điều tra rõ ràng sẽ cho thấy mối liên quan giữa chiến dịch chống tham nhũng mà đội ngũ lãnh đạo mới của TQ (nắm quyền từ tháng 11/2012) tiến hành với tỉ lệ quan chức tự tử gia tăng. Trong giai đoạn 2011-2012, tổng cộng có 40 quan chức tự sát. Nhưng kể từ năm 2013, ít nhất 88 người được thông báo đã làm việc này.
Các trường hợp tự sát ở quan chức cũng cho thấy mức độ và cường độ ngày càng lớn của chiến dịch chống tham nhũng tại TQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Ví dụ, trong giai đoạn 2003-2013, không có thông báo nào về việc quan chức quân sự cấp cao tự tử. Nhưng trong năm nay, vào khoảng ba tháng đã có hai quan chức hải quân cấp cao nhảy lầu tự vẫn. Từ tháng 8/2003 - 4/2014 có khoảng ba quan chức cấp quận và cục tự sát mỗi năm. Nhưng kể từ tháng 4/2014, TQ đã chứng kiến sự gia tăng cả về mức độ và cấp bậc quan chức tự sát. Trong vòng hai tháng rưỡi, có hơn 10 quan chức cấp cục, quận và trên nữa tự sát.
Tại sao chiến dịch chống tham nhũng lại khiến các quan chức đối mặt với áp lực lớn như vậy, nhất là với những người bị điều tra? Một giải thích đó là họ cảm thấy không còn chọn lựa nào khác. Đa phần các quan chức tự sát được công bố công khai đều không bị trầm cảm trước lúc chết.
Cũng có lời giải thích thuyết phục hơn là tự sát trở thành một phương cách thoát khỏi án trừng phạt không thể tránh khỏi. Chiến dịch chống tham nhũng với cường độ ngày càng lớn đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với các quan tham rằng, đây là lúc họ không thể tránh khỏi sự trừng phạt. Khi quan chức bị bắt, bị tù vì tham nhũng có nghĩa là mọi tước hiệu danh phận đều bị mất, tài sản bị tịch thu. Trong khi đó, theo luật pháp hiện hành, đương sự bị cáo buộc nếu chết sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp luật. Điều này vô hình trung là một cơ hội cho quan tham.
Nếu họ tự sát, họ sẽ không chỉ giữ lại được danh tiếng và thứ bậc, mà tài sản phi pháp cũng không bị tịch thu. Hơn thế nữa, khi tự sát, một quan chức được coi là đã hy sinh vì các thành viên khác trong một chuỗi tham nhũng, các thành viên khác về sau này thường sẽ chăm sóc gia đình của người đó. Bởi thế, khái niệm "tự tử vị tha" có thể làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của TQ.
Thái An (theo Diplomat)