Người dùng không cam kết phải đưa lên tất cả câu chuyện có thật lên TikTok. Đó một phần là lý do tin giả có đất sống trên nền tảng. Ảnh minh họa. |
Dakota Fink không cố tình nói dối.
Tháng 5/2021, người mẫu 23 tuổi ở Los Angeles (Mỹ) nảy ra ý định quay video trên TikTok nhằm mục đích cho vui: Cô bóc lớp mặt nạ có màu da trước máy quay và đặt phụ đề là phụ nữ phải lột da sau kỳ kinh nguyệt.
Video bất ngờ được thích 4,4 triệu lần và có hơn 220.000 lượt chia sẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi đó là trò đùa.
Một số người chia sẻ video một cách nghiêm túc, nói rằng họ chưa bao giờ nhận ra những khó khăn đi kèm với chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ chủ yếu là nam giới.
Không ít phụ nữ hùa theo trò đùa này và nói rằng đây là số phận mà chỉ số ít nữ giới tránh được nhờ may mắn.
“Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn trên Instagram từ những phụ nữ trưởng thành nói rằng: ‘Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi. Gia đình bạn có ai cũng bị như vậy không?’. Điều đó khiến tôi bị sốc”, Fink nói.
Đây là minh chứng cho thấy nhiều người có xu hướng tin những gì họ nhìn thấy trên TikTok một cách dễ dàng, theo VICE.
Video “phụ nữ bị lột da sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt” của Dakota Fink thu hút lượt xem khủng dù chỉ là lời nói đùa. Ảnh: @dakotaalee. |
Chưa được chú ý
Sự cả tin trong nội dung video dạng ngắn là hiện tượng chưa được chú ý trên mạng xã hội.
Một số người dùng so sánh mức độ sẵn sàng tin vào bất cứ điều gì họ thấy trên TikTok với sự cả tin của cha mẹ họ đối với nội dung trên Facebook.
Bên cạnh những người lan truyền thông tin sai sự thật về hiệu quả của vaccine Covid-19, thường xuyên có những câu chuyện tốt đến mức khó tin, bởi vì chúng không hề có thật. Đó là video nạn nhân của cơn bão Aida chạm trán với con cá sấu trong nhà cô (tin giả) hoặc sự tồn tại của deepfake Tom Cruise (thực tế, một diễn viên sử dụng công nghệ deepfake để trông giống nam tài tử Mission Impossible hơn, đủ thuyết phục để lừa mọi người trước khi chính anh thừa nhận mình là kẻ mạo danh).
Một phần, đó là vấn đề rộng lớn hơn, cũng chính là nhược điểm của mạng xã hội: loại bỏ những người cho chúng ta biết điều gì đáng và không đáng đưa tin.
“Sau khi phương tiện truyền thông truyền thống không còn cung cấp chức năng bảo vệ luôn đi kèm với một số loại kiểm tra chất lượng báo chí, chúng ta với tư cách là người dùng, hoàn toàn đơn độc giữa nguồn cung cấp thông tin vô tận trong lòng bàn tay”, Marcus Bösch, nhà nghiên về mạng xã hội tại HAW-Hamburg (Đức), nói.
Nguồn cung cấp trên TikTok là vô tận. Ít nhất 1,6 triệu video mỗi ngày được đăng lên nền tảng chỉ riêng ở Vương quốc Anh, với 5 triệu video được tải lên mỗi giờ trên toàn thế giới. Cả hai con số này đều có từ năm 2020 và khi ứng dụng phát triển, thống kê có thể tăng vọt.
“Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều nội dung một cách nhanh chóng theo cách rất riêng tư và gần gũi khiến bản thân liên tục phải lựa chọn các bên. Và nếu chúng ta quyết định lắng nghe một người, sẽ có một nền tảng tin tưởng nhanh chóng nhưng nhất thời”, Bösch cho biết.
từ video TikTok với âm thanh được điều chỉnh để Tổng thống Mỹ Joe Biden xuất hiện ở sự kiện để hát ca khúc thiếu nhi “Baby Shark” (trái).từ video TikTok hiển thị câu chuyện giả mạo của CNN về biến đổi khí hậu. Ảnh: TikTok/The New York Times. |
Do nội dung và thiết kế dạng ngắn của TikTok, được tinh chỉnh để khiến người dùng xem nhiều nội dung nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn, một số chuyên gia truyền thông xã hội cho rằng chúng ta không còn suy nghĩ cẩn thận về những gì đang xem.
Động cơ khuyến khích người sáng tạo xuất bản nội dung trung thực cũng thấp hơn.
Tom Divon, nhà nghiên cứu về TikTok tại Đại học Do Thái Jerusalem (Israel), cho biết: “Lý do các video TikTok dễ dàng được tin tưởng như vậy không chỉ do bản thân nền tảng mà còn liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế chú ý”.
“Trên TikTok, xu hướng tiêu thụ thông tin ở dạng nhỏ được thúc đẩy bởi trang ‘Dành cho bạn’ của nền tảng. Việc tuân thủ sự thật trong video của mỗi người không phải lúc nào cũng đảm bảo đạt được mức độ lan truyền mong muốn”, ông nói.
Về bản chất, câu chuyện càng kỳ quặc càng có nhiều khả năng trở nên viral.
Không nên tin 100%
Con người đang ngày càng sử dụng TikTok như một nền tảng giáo dục. Bản thân ứng dụng này giới thiệu sáng kiến #LearnonTikTok, trong khi TikTok được cho là đang thay thế Google trở thành điểm đến đầu tiên của Gen Z khi thắc mắc điều gì về thế giới.
“TikTok là nền tảng lớn đến nỗi mặc dù có thể ngớ ngẩn, mọi người vẫn không ngừng học hỏi những điều mới từ đó”, Fink nói.
Điều đáng chú ý là người dùng của nền tảng này cho rằng họ hoài nghi về nội dung mà mình gặp phải, ngay cả khi bị đánh lừa.
Một nghiên cứu vào tháng 9/2022 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters tại Đại học Oxford cho thấy chỉ 20% người dùng ở Vương quốc Anh và Mỹ cho biết họ tin tưởng những tin tức bản thân gặp trên TikTok, so với 53% (Anh) và 49% (Mỹ) tin tức họ gặp ngoài nền tảng.
Tuy nhiên, mặc dù khẳng định rất ý thức về việc bị lừa, họ vẫn tiếp tục sử dụng thông tin từ TikTok và coi đó là hợp pháp.
Người dùng hoàn toàn đơn độc giữa nguồn cung cấp thông tin vô tận của TikTok, mà trong đó chứa nhiều tin giả. Ảnh: Shutterstock. |
Bösch tin rằng điều đó có thể do cách chúng ta được dạy về kiến thức truyền thông trong lịch sử.
“Từ lâu, khán giả được định hướng để tin rằng ‘chỉ những gì chúng ta nhìn thấy tận mắt’ hoặc ‘đưa hình ảnh đây không thì chuyện không có thật’. Nhưng họ cần phải biết rằng điều này không nhất thiết phải đúng trong kỷ nguyên mới của phương tiện tổng hợp, trong đó một hoặc nhiều phần của tệp video, hình ảnh hoặc âm thanh đã bị cắt, ghép, dàn dựng”, ông nói.
Jess Maddox, trợ lý giáo sư tại Đại học Alabama (Mỹ), đồng thời là chuyên gia về văn hóa Internet, cho biết thuật toán và thiết kế của TikTok củng cố niềm tin.
“Rất nhiều thông tin sai lệch lan truyền trên TikTok, một phần do thiết kế của ứng dụng, một phần do văn hóa. Người dùng dường như có mức độ tin tưởng cao hơn đối với nền tảng vì trang ‘Dành cho bạn’ và thuật toán chính xác đến đáng sợ của nó”, bà nói.
Divon đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “Việc cá nhân hóa nội dung bằng thuật toán của TikTok có tác động đáng kể đến cách người dùng cảm nhận các video họ xem trên nền tảng này. Người dùng nhận ra rằng các video họ xem được điều chỉnh theo sở thích và niềm tin cá nhân. Điều này có thể góp phần tạo nên cảm giác liên kết và độ tin cậy. Do đó, nó có thể nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận và chia sẻ thông tin mà họ gặp trên nền tảng”.
Maddox cũng tin rằng cách trình bày thông tin trên TikTok khiến nó trở nên đáng tin cậy hơn đối với người dùng.
“Việc quay video qua camera trước làm tăng sự thân mật. Đây là điều khiến những người có ảnh hưởng và người tạo nội dung thành công. Nó khiến người dùng cảm thấy như thể họ đang trò chuyện trực tiếp với một người bạn, trái ngược với một người lạ. Và liệu một người bạn có nói dối bạn không?”.
Thực tế là có. Họ sẽ làm như vậy, đặc biệt nếu điều đó có nghĩa là kiếm được tiền từ lượt xem. Vì vậy, làm thế nào để giải quyết?
Fink có một số ý tưởng: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mọi người không nên tin vào mọi thứ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Đừng để nền tảng phổ biến đánh lừa bạn quá nhiều”.
Theo Zing