Chuyên gia Nga cho rằng khó tái diễn Chiến tranh Lạnh giữa Nga - Mỹ là do hai bên còn có nhiều lợi ích chung trong việc hợp tác trong nhiều hồ sơ quốc tế.

Thoả thuận ngừng bắn ở Syria có hiệu lực từ ngày 12/9, trên cơ sở sự đồng thuận giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ, được hy vọng sẽ là bước ngoặt trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

{keywords}

Pavel Gudev - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ - Viện nghiên cứu quốc gia về Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới Primakov.

Tuy nhiên, những dấu hiệu leo thang căng thẳng thời gian gần đây đang khiến giới chuyên gia và dư luận thế giới lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình Syria, cũng như sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới Nga-Mỹ.

Mới đây, ông Pavel Gudev - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ - Viện nghiên cứu quốc gia về Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới mang tên Primakov - đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nguy cơ tái diễn Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng đỉnh điểm như hiện nay?

Chuyên gia Pavel Gudev: “Tôi nghĩ rằng thuật ngữ Chiến tranh Lạnh được sử dụng hoàn toàn không đúng và chuẩn xác, bởi vì trên thực tế trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh tồn tại trật tự thế giới lưỡng cực, sự đối kháng thường trực giữa hai khối tư bản và khối Liên Xô.

Mỹ và Liên Xô đều có các đối tác và đồng minh thân cận của mình. Đó là sự đối kháng trên quy mô toàn cầu. Nhân tố chủ chốt trong sự đối kháng này là sự không tương hợp về mặt tư tưởng, sự đối kháng tư tưởng và khi đó tồn tại hai hệ tư tưởng khác nhau.

Ngày nay, Liên bang Nga đang nỗ lực xây dựng xã hội dân chủ, vì lợi ích của người dân và có thể khác với mô hình của Mỹ hay châu Âu nhưng chắc chắn 100% hiện không tồn tại sự đối kháng ý thức hệ như trước đây.

Mặc dù có quan điểm khác nhau về cách thức xây dựng thế giới, phương pháp giải quyết các cuộc xung đột khu vực nhưng sự đối kháng về ý thức hệ như thế quả thực không tồn tại trong khoảng thời gian kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến khi Liên Xô sụp đổ.

Theo tôi, vấn đề trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ nằm ở chỗ; trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, ở Mỹ có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu về Liên Xô, trong đó có chính sách đối ngoại của Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, số chuyên gia nghiên cứu chuyên về không gian Xô Viết này còn lại rất ít vì không có nhu cầu và chuyển sang nghiên cứu các khu vực khác như Trung Đông, châu Mỹ-Latinh, Châu Á-Thái Bình Dương…

Về mặt khách quan, hướng nghiên cứu không gian Hậu Xô Viết là rất cần thiết, thế nhưng đã dần bị coi nhẹ ở Mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân cho những căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ, bởi vì hiện Mỹ không hiểu chính sách đối ngoại hay chính là cái cách mà Nga hành xử trên vũ đài chính trị quốc tế.

Số chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị có thể giải thích được gốc rễ cách xử sự của Nga còn lại rất ít. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào nghiên cứu nước Nga lại xuất hiện rầm rộ trở lại ở Mỹ.

Hơn nữa, khó tái diễn Chiến tranh Lạnh giữa Nga - Mỹ là do hai bên còn có nhiều lợi ích chung trong nhiều hồ sơ quốc tế cần phải hợp tác để giải quyết. Tôi không thể hình dung được rằng giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên, không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiểm soát và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược... mà thiếu đi sự hợp tác với Nga.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng hiểu rằng nếu không hợp tác với Nga khó có thể khai thác thành công các nguồn lợi kinh tế từ tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực đánh bắt cả, khai thác dầu khí, khoáng sản và kim loại quí hiếm…

Vì vậy, căng thẳng giữa Nga và Mỹ ở Syria sẽ tiếp tục gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhưng khó có thể xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp. Chính quyền Tổng thống Barack Obama, người từng được nhận giải Nobel Hòa bình, không có bất cứ ý định nào kết thúc nhiệm kỳ của mình bằng cuộc chiến mới”.

PV: Bất cứ sự bất đồng nào giữa Nga và Mỹ đều tạo ra sự nhìn nhận tiêu cực về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Vậy theo ông, đâu là lựa chọn khả thi cho cả 2 nước nhằm tránh làm phức tạp hóa, hay xa hơn là giải quyết cuộc khủng hoảng Syria?

Chuyên gia Pavel Gudev: “Tất nhiên, bất đồng giữa Nga và Mỹ tác động tiêu cực đến tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Syria. Hiện, vẫn còn sự phối hợp hành động giữa giới tinh hoa chính trị và quân sự của Nga và Mỹ.

Tất nhiên, theo tôi thì sự phối hợp giữa giới quân sự hai nước sẽ tiếp tục được duy trì bởi vì, giới quân đội thường dễ dàng hơn trong việc tìm được tiếng nói chung để giải quyết xung đột tại Syria. Khi nói về chính trị phức tạp hơn nhiều. Cả hệ thống chính trị của Mỹ đang tập trung cho bầu cử Tổng thống.

Vào thời điểm hiện tại, giới cầm quyền ở Mỹ sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn đối với Tổng thống Bashar Al-Assad, không sẵn sàng nhượng bộ Nga, đẩy tình hình căng thẳng lên đỉnh điểm, và đá quả bóng trách nhiệm cho chính quyền mới của Mỹ giải quyết. Do đó, giới quân đội hai nước càng mở rộng giao tiếp thì càng có cơ hội đạt được sự nhượng bộ, đó là kịch bản lý tưởng nhất.

Về phía Nga, tôi nghĩ rằng chiến dịch không kích của Nga tại Syria sẽ được tiếp tục vì giới lãnh đạo chính trị cũng như quân đội ở Nga sẽ không bao giờ chấp nhận chế độ cầm quyền ở Syria sụp đổ và thay vào đó lực lượng bất hợp pháp lên nắm quyền. Nhân dân Syria cũng không chấp nhận điều này. Nga sẽ nỗ lực để đạt được một cuộc bầu cử ở Syria, cho dù người chiến thắng là ông Assad hay là 1 ứng cử viên nào khác.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố mở chiến dịch tấn công Syria và cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga tại quốc gia Trung Đông này. Vấn đề mang tính nguyên tắc được đặt ra: nếu Nga rút khỏi Syria thì chế độ Tổng thống Al-Assad sẽ không trụ được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Moskva phạm phải sai lầm chiến lược khi một lần nữa lại để thế lực bên ngoài can thiệp vào xung đột khu vực và thay thế chế độ cầm quyền bằng con đường bất hợp pháp hoàn toàn”.

PV: Vậy, theo ông nguyên nhân chính khiến quan hệ Nga - Mỹ gây căng thẳng leo thang trong thời gian qua là gì?

Chuyên gia Pavel Gudev: “Rất khó nói lý do chính là ở đâu. Quan hệ Nga - Mỹ đã tích tụ quá nhiều bất đồng trong những năm gần đây, đăc biệt kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tình hình hiện nay đã bị đẩy lên đỉnh điểm do cả hai bên đều có những hành động ăn miếng trả miếng lẫn nhau thời gian gần đây.

Theo tôi, nguyên nhân chính là do các cuộc đối thoại và kênh hợp tác giữa Nga và Mỹ giảm mạnh khiến sự hiểu biết lẫn nhau bị hạn chế. Vì thế, Moskva và Washington cần nỗ lực tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm những lợi ích chung, trách nhiệm chung và thách thức chung, để từ đó đưa ra giải pháp cho những bất đồng còn tồn tại mà đôi bên cùng chấp nhận được.

Một nguyên nhân nữa, không loại trừ khả năng mâu thuẫn nội bộ nước Mỹ trước thềm bầu cử Tổng thống là nguyên nhân khiến mối quan hệ với Nga xấu đi nghiêm trọng. Một số thế lực cố tình làm cho cuộc xung đột ở Syria trở nên trầm trọng với những toan chính trị của họ.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu chính quyền mới của Mỹ tìm ra những lợi ích chung với Nga trong các vấn đề toàn cầu cần phải hợp tác với nhau thì không những các điểm nóng sẽ được giải quyết mà còn được xem là thành tựu chính trị đầu tiên cho bộ máy lãnh đạo mới đó. Và nhờ đó, mối quan hệ Nga-Mỹ cũng sẽ hạ nhiệt khi nước Mỹ có vị Tổng thống mới”.

Theo Baotintuc