Hãy đặt tất cả những động thái này trong tương quan với các sự kiện “khủng hoảng Ukraine và Crimea”?

 >> Xem lại Kỳ 1: Khi Mỹ- Liên Xô đều nặng nề vì chạy đua vũ trang

>> Xem lại Kỳ 2:  Khi Mỹ tái lập thế “cân bằng tên lửa” với Liên Xô

Từ Tu-95 “Gấu” đến Trung tâm điều hành quốc phòng quốc gia 

Năm 1991, Liên Xô tan rã đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của Khối Varsaw sau suốt gần 40 năm tồn tại như một đối trọng với NATO. Trong khi đó, NATO không ngừng mở rộng lãnh thổ về phía Đông, bằng cách kết nạp thêm các nước trước đây là các Cộng hòa Xô-viết thuộc Liên Xô cũ, nghĩa là ngày càng tiến sát biên giới với nước Nga. 

Năm 2007, tổng thống Nga V.Putin quyết định cho tiến hành trở lại những chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95 “Gấu”. Tu-95 vốn được coi là biểu tượng của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà cuộc chạy đua vũ trang của Liên Xô với Hoa Kỳ lên đến cao trào. Đây là máy bay ném bom chiến lược đạt tầm bay xa thuộc hàng kỷ lục – 17.000 km không cần tiếp nhiên liệu và có một độ tin cậy cực cao.   

Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Crimea, Nga lại càng tăng cường các chuyến bay tuần tra của “Gấu” sát không phận các nước NATO.  

Từ năm 1989, Liên Xô từng sở hữu 12 đoàn tàu hỏa hạt nhân mang tên Skapel nhưng chúng đã ngừng hoạt động sau khi Nga và Mỹ ký hiệp ước START-2 năm 1993. Theo lộ trình, chúng sẽ được hủy hoàn tất năm 2005. 

Tuy nhiên, từ năm 2009, Nga tuyên bố sẽ phục hồi lại dự án đoàn tàu hạt nhân Berguzins. Đầu năm nay, Nga thông báo chính thức về dự án này: Berguzins sẽ có 17 toa gồm các toa chỉ huy, điều khiển, căn hộ di động, 3 toa bệ phóng và các toa chở 6 tên lửa RS-24 (Yars), một loại tên lửa 4 đầu đạn với sức công phá từ 0,4 - 1,2 megaton. Lực lượng sẽ bao gồm 5 đoàn tàu như vậy, tương đương 5 trung đoàn tên lửa hạt nhân chiến lược. 

Hải quân Nga, mà tiền thân là Hải quân Xô-viết vốn được biết đến nhiều với những tầu sân bay lớp “Đô đốc Kuznetsov”, đã lên kế hoạch để có được ít nhất một tàu sân bay mới (không phải tầu chở trực thăng tấn công như Mistral mà Nga đang thuê Pháp đóng) trong vòng vài năm tới.  

Cuối năm 2014, Nga mở cửa cho phép các phóng viên vào tiếp cận “Trung tâm điều hành quốc phòng quốc gia” mới được khánh thành – dự án mới chỉ bắt đầu năm 2013 đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đánh giá về độ hiện đại của nó, người ta chỉ có thể nói là “kinh khủng”.  

{keywords}

Phòng chỉ huy và phối hợp của Trung tâm Điều phối quốc phòng Liên bang Nga. Ảnh: Tass

Đằng sau những động thái 

Hãy đặt tất cả những động thái này trong tương quan với các sự kiện “khủng hoảng Ukraine và Crimea”? Tại sao Nga lại dùng Tu-95 để bay tuần tra, khi “Gấu” nổi danh là “siêu ồn ào”, trong khi Nga còn có máy bay ném bom chiến lược phản lực hiện đại hơn nhiều, chiếc Tu-160 “Blackjack”? Rồi tại sao lại là thông tin không giấu diếm về đoàn tầu hạt nhân chiến lược được phục hồi, lại công bố vào thời điểm này?  

Về Tu-95 “Gấu” – chi phí cho những chuyến bay của nó khá rẻ nhưng cực kỳ hiệu quả, nhất là về mặt tâm lý, vì tính đa năng của “Gấu”: tuần tra, giám sát tầu ngầm đối phương và nhất là khả năng ném bom hạt nhân. Nghĩa là, sự “ồn ào” của nó trong trường hợp này lại là ưu điểm. 

Đánh giá về những chuyến bay của “Gấu,” Đô đốc Hoa Kỳ, tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ Bill Gortney đã phát biểu: “Đây là một thông điệp họ gửi cho chúng ta. Thông điệp đó là: chúng tôi (Nga) vẫn là một siêu cường của thế giới.”  

Về những đoàn tàu hỏa hạt nhân chiến lược, việc phát triển chúng đem lại tính cơ động cao hơn nhiều so với triển khai tên lửa trên các xe ô tô chuyên xa từ trung tâm nước Nga tới biên giới. Khả năng tiếp cận của tên lửa Nga tới biên giới nước Mỹ từ phía bờ Thái Bình Dương, là hoàn toàn tính toán được. Vì vậy, hành động này của Nga rất tác dụng, kể cả về chiến thuật quân sự lẫn hiệu quả tâm lý.  

Trên biển, Nga cũng không ngồi yên mà khá chủ động trong việc khắc phục những yếu kém về Hải quân. Một mặt, để nhanh chóng tiếp cận với công nghệ hiện đại, Nga không ngần ngại “outsourcing” đặt hàng tầu tấn công chở trực thăng Mistral của Pháp.

Mặt khác, để từng bước phục hồi công nghiệp đóng tàu chiến, Nga ký hợp đồng với Ấn Độ khôi phục và tái trang bị cho chiếc tàu sân bay Đô đốc Gorshkov tại nhà máy đóng tàu Sevmash ở Bạch Hải, nó sẽ trở thành chiếc “Vikramaditya” của Hải quân Ấn Độ. Hợp đồng giá trị 1 tỷ đô-la Mỹ này có lợi cho cả hai bên.  

Từ khi V.Putin nắm quyền cho đến tháng 1/2014 ngân sách quốc phòng Nga là vào khoảng 2,5 - 3,2% và có xu hướng tăng đều. Đến đúng thời điểm “khủng hoảng Ukraine và Crimea” tháng 2/2014 ngân sách quốc phòng Nga đã tăng gấp đôi so với năm 2001.  

Ngay hai tháng đầu năm 2015, chi ngân sách cho quốc phòng của Nga đã tăng 3,3 lần so với giai đoạn trước “khủng hoảng”. Theo thông tin của Michael Rubin, giảng viên Trường Hải quân cấp cao của Hải quân Hoa Kỳ, chỉ trong hai tháng này, chi ngân sách cho quốc phòng đã là 1,3 nghìn tỷ Rub, tức là hơn 20 tỷ đô-la Mỹ, chiếm đến 43,3% tổng chi ngân sách. 

Từ câu chuyện của “Vikramaditya”, ta có thể phần nào hình dung được lý do Nga tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong khoảng thời gian ngắn gần đây, bất chấp những khó khăn về kinh tế.  

Đầu tiên có thể nói, là Nga muốn nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, tiến đến đuổi kịp Phương Tây, nhất là Hoa Kỳ về mức độ phát triển công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quân sự. Cuộc tập trận gần đây của Nga ở Biển Bắc với quân số “khủng” càng cho thấy mục đích đó.

Thứ hai, ngoài bán dầu mỏ và khí đốt, Nga có một nguồn thu rất lớn từ bán vũ khí và công nghệ quân sự. Đây cũng là lĩnh vực Nga còn nhiều khách hàng không bị khống chế bởi lệnh trừng phạt. Chúng ta có thể dự đoán việc “tăng chi ngân sách quốc phòng” của Nga trong thời gian qua, chính là khoản đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, cả sản xuất lẫn nghiên cứu khoa học.  

Thứ ba, việc tăng đầu tư cho công nghiệp quốc phòng chắc chắn cũng là một phần của kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Và nhiều khả năng chính nó cũng đang là một trong những động lực đem lại cho nền kinh tế Nga con số tăng trưởng “dương” trong thời gian gần đây.  

Hoa Kỳ: Chính sách chưa rõ ràng? 

Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục cắt giảm quân số bằng mức quân đội Mỹ vào thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổng thống Obama đã bước vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ thứ hai, đang phải đối phó với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS, đối thoại hạt nhân với Iran và gần đây nhất là nội chiến ở Yemen… Nước Mỹ như bị căng ra trên tất cả các mặt trận.

Chính vì vậy, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đến nay chính sách của Hoa Kỳ vẫn dường như vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngay cả việc phát triển mạnh công nghệ khai thác dầu đá phiến và chính sách giá dầu mỏ của Mỹ và OPEC, cũng chưa thể khẳng định được đó có phải là “đòn đánh nhằm vào Nga” hay không. Tổng thống Barack Obama từ khi xảy ra cuộc “khủng hoảng Ukraine” đến nay, vẫn đang được đánh giá chưa có được những chính sách đối ngoại hiệu quả để kiềm chế nước Nga. 

Mới nhất, ngày 11/4/2015 tổng thống V.Putin đã ký sắc lệnh bỏ lệnh cấm cung cấp tên lửa S-300 cho Iran với lý do “đã có những tiến bộ trong thỏa thuận giữa Iran và P5+1 gần đây về vũ khí hạt nhân” – còn phía Mỹ thì bày tỏ lo ngại trước động thái rất mới này của Nga. 

Chưa thể khẳng định những gì đang diễn ra có phải là một cuộc chạy đua vũ trang mới hay không. Nhưng chắc là những thay đổi lớn trong chính sách với nước Nga phải ở vào thời kỳ của vị tổng thống kế nhiệm ông Obama, chứ không phải năm 2015 này. 

Phúc Lai (tổng hợp)