Chia sẻ tại hội thảo về tái cơ cấu công nghiệp, TS. Nguyễn Thị Kim Thu, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền nhận định, cho đến nay, hệ thống công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mới bao gồm các nhóm phục vụ ngành điện tử tin học; dệt may, da giầy; sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; gia công kim loại phục vụ sản xuất công nghiệp...
Đối với ngành điện tử - tin học, CNHT mới tập trung ở những doanh nghiệp có vốn FDI với 90% tổng vốn đầu tư. Doanh nghiệp trong nước chiếm 2/3 số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động song chỉ chiếm chưa đầy 10% số vốn đầu tư. Trong ngành, tỷ trọng sản phẩm điện tử dân dụng tới 90% giá trị, nhưng do nguyên vật liệu phụ thuộc vào nhà cung cấp ngoài nước, công nghệ nền lạc hậu, R&D chậm nên năng lực cạnh tranh thấp và giá trị gia tăng của sản phẩm chỉ chiếm khoảng 10%; tỷ lệ nội địa hóa của ngành Điện tử gia dụng là 30-35%, Điện tử tin học, viễn thông: 15%; Điện tử chuyên dụng: 5%. Đối với những linh kiện do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, do thị trường nhỏ bé, sản phẩm khó tiêu thụ nên một số cơ sở phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.
Trong ngành dệt may - da giầy, tuy là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng không có CNHT thích đáng nên tỷ lệ nội địa hoá đang còn rất thấp. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu từ 70 - 80%, trong đó nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 40% nhu cầu xơ sợi tổng hợp, 50% nhu cầu sợi bông và 80% vải khổ rộng; 90% các sản phẩm trung gian và phụ kiện, sợi, dệt, vải dệt kim phục vụ gia công xuất khẩu CMT. Sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may cũng mới chỉ tập trung chủ yếu công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, mex, xốp, đệm bông, nhựa cài, chăn ga, gối, đệm, chỉ dây, khóa keo, băng chun, băng dính. Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất - chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải phải nhập khẩu.
Trong ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi (xe con): mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Inova. Đối với các loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%.
Lĩnh vực cơ khí, gia công kim loại, trong cơ cấu công nghệ, tạo phôi đúc là khâu đặc biệt quan trọng, nhưng đang còn rất yếu. Ngành chưa đủ năng lực sản xuất thép chất lượng cao, phôi đúc làm ra có độ chính xác thấp, phế phẩm nhiều, lượng dư gia công lớn. Công nghệ biến dạng dẻo (cán, rèn, dập...) và luyện bột kim loại có chất lượng bán thành phẩm thấp.
Công nghệ gia công cắt gọt lạc hậu, trình độ tự động hoá thấp; phần đông nhà máy cơ khí sản xuất theo lối khép kín, thiếu những công nghệ chủ lực có vai trò trung tâm để chuyên môn hoá-hợp tác hoá. Cùng với hạn chế này, nhiệt luyện và xử lý bề mặt còn nhiều tồn tại đã ảnh hưởng bất lợi đến giá trị sử dụng thành phẩm. Ngoài ra, sản phẩm quy chuẩn như bu-lông, ốc-vit... vừa thiếu về số lượng, chủng loại lại không đảm bảo chất lượng, phải nhập khẩu với tỷ lệ cao. Những yếu kém về công nghệ và chất lượng sản phẩm khiến CNHT nước ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày một gia tăng của ngành cơ khí.
Có thể nói, CNHT nước ta đã từng bước tham gia vào sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa, chất lượng linh phụ kiện chế tạo được nâng cao dần theo hướng chuyên môn hoá, một số doanh nghiệp đã có định hướng tham gia vào dây chuyền sản xuất mang tính toàn cầu của tập đoàn nước ngoài.
Gần đây, xu thế chuyển dịch sản xuất hướng vào xuất khẩu đã kích thích CNHT mở ra khả năng xuất khẩu sản phẩm thông qua sản phẩm lắp ráp sau cùng. Mặc dù có nhiều triển vọng, song do phát triển trên nền sản xuất khép kín, công nghệ nền lạc hậu và đội ngũ doanh nhân chưa năng động; với dung lượng thị trường nhỏ, chưa đủ quy mô sản xuất kinh tế, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh thấp nên thương hiệu và thị phần của CNHT Việt Nam còn nhiều giới hạn.
Thu Ngân (ghi)