Ngay sau khi Mỹ bắt đầu chiếm đóng Iraq, các lãnh đạo quân sự đã lập ra trại Bucca để giam giữ hàng nghìn nam giới bị xem là mối đe dọa.

Mitchell Gray, người từng làm bảo vệ ở trại Bucca, nói với hãng thông tấn Nga Sputnik rằng, Bucca là mảnh đất ươm mầm cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo nghiên cứu của tờ New York Post, để duy trì hòa bình ở trại giam trong bối cảnh Iraq đang chiến tranh, các quan chức ở Bucca phải tìm cách tách riêng người Sunni với người Shi'ite, người trung hòa với những kẻ cực đoan.

{keywords}

Để làm được điều đó, họ đưa từng đối tượng, bị nghi là chiến binh, vào phòng thẩm vấn và bỏ anh ta lại một mình với cuốn tạp chí Maxim. Các nhân viên nhà tù sẽ theo dõi từng cử động của đối tượng bị thẩm vấn.

Nếu nhặt cuốn tạp chí đàn ông lên và lật vài trang, người này sẽ được coi là "trung hòa" và được tống vào một khu riêng. Nếu từ chối cuốn tạp chí, nhân vật này sẽ được coi là "cực đoan" và bị giam giữ cùng với những chiến binh thánh chiến có chung suy nghĩ.

"Những gì lực lượng đặc nhiệm 134 học được đó là nếu bạn không bắt đầu phân biệt các tù nhân thì sau đó bạn sẽ gặp phải những vấn đề như những kẻ cực đoan hơn sẽ cực đoan hóa những tù nhân ôn hòa hơn", cựu bảo vệ Gray cho hay.

Tuy nhiên, việc chia nhóm đối tượng như trên lại đồng nghĩa với việc những kẻ thánh chiến cực đoan sẽ bị dồn vào một khu vực riêng, tự do phát triển các ý tưởng cực đoan.

"Bạo lực đã xảy ra giữa các tù nhân bị giam tại Bucca. Sau đó, những đối tượng này đã lập ra tòa án Sharia riêng và thậm chí còn xử hoặc tra tấn một số tù nhân, ép một số tù nhân trở nên cực đoan hơn", Gray nói thêm.

Vấn đề này có thể xuất phát từ lúc thành lập trại, khi những người lập ra Bucca chưa bao giờ chuẩn bị giải quyết một cách hợp lý tình hình chính trị trong vùng.

"Khi cuộc chiến Iraq nổ ra, Saddam Hussein cùng nhóm Sunni - đang chiếm đa số tại nước này - bị lật đổ và Iraq trở thành quốc gia mà người Shi'ite chiếm đa số, ngay lập tức nó đã sản sinh ra các vấn đề địa chính trị. Thực chất, Bucca không phải được lập ra để đương đầu với các vấn đề chính trị phức tạp như vậy".

Làm việc tại Bucca từ 2007-2008, Gray cho hay, có khoảng 30.000 người bị giam tại trại này. "Đó là sự pha trộn. Ở đó có đủ thứ, từ al-Qeada cho tới các chiến binh địa phương và cả bọn tội phạm".

Trong nhóm các tù nhân, có cả Abu Bakr al-Baghdadi - sau này là lãnh đạo của IS. Abu Bakr al-Baghdadi bị giam 4 năm tại trại Bucca, phía nam Iraq. Và tại đây, tên này đã gặp gỡ các cựu thành viên đảng Baath.

Khi trại Bucca đóng cửa vào năm 2009, Abu Bakr al-Baghdadi được trả tự do vì được coi không phải là một mối đe dọa, Gray cho hay. "Tuy nhiên, trên thực tế, tên này được một số người coi là một nhà thương thuyết và có ảnh hưởng vừa phải".

Khi cuộc chiến sắc tộc dữ dội bắt đầu nổ ra giữa những người Shi'ite và Sunni tại Iraq, tổ chức của al-Baghdadi chỉ là một trong vài nhóm chiến binh Sunni được Al Qaeda đỡ đầu.

Abu Musab al-Zarqawi, một chiến binh Jordan thề trung thành với Bin Laden sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq, đã lập chi nhánh al-Qaeda tại Iraq. Năm 2006, Zarqawi bị giết,  Abu Omar lên thay. Trong thời gian này, al-Baghdadi dần thăng tiến và trở thành trợ lý thân cận cho Abu Omar.

Năm 2010, sau khi Abu Omar bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân Mỹ - Iraq vào tháng 4, Abu Bakr al-Baghdadi quyết định xây dựng lại nhóm và ba năm sau, tên này quyết định sát nhập lực lượng thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận đông.

Sự lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận đông dường như không có gì ngăn cản nổi. Tới cuối năm, nhóm này đã kiểm soát được thành phố Fallujah của Iraq và 6 tháng sau, chiếm được Mosul.

Tháng 6/2014, al-Baghdadi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo và tự xưng là Quốc vương.

Những tin đồn rằng tên này bị giết hoặc thương nặng trong các cuộc không kích đầu năm nay đều được chứng minh là không có cơ sở.

  • Hoài Linh