Danh sách gói viện trợ quân sự mới, trị giá 800 triệu USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ được thúc đẩy bởi yêu cầu trực tiếp từ Kiev, mà còn để chuẩn bị cho một dạng giao tranh mới trên vùng đồng bằng rộng mở phía đông nam Ukraine ngay cạnh Nga, nơi địa hình mang lại các lợi thế quân sự tự nhiên cho các lực lượng Moscow.
Theo CNN, gói viện trợ mới là dấu hiệu rõ ràng nhất cho đến nay về việc cuộc chiến ở Ukraine đang chuyển biến và nó sẽ cung cấp cho quốc gia Đông Âu những loại vũ khí cần thiết nhằm tiếp tục chống lại các lực lượng Nga đã tái tập hợp và được bổ sung tiếp tế sau những trục trặc trong các tuần mở màn cuộc chiến.
Chính quyền Biden công bố, số khí tài sắp chuyển chuyển giao gồm 11 máy bay trực thăng Mi-17 từng được trang bị cho Afghanistan, 18 khẩu lựu pháo 155mm, hơn 300 máy bay không người lái tấn công cảm tử Switchblade cùng các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực đang bay tới và xác định chính xác nguồn gốc của chúng.
Gói viện trợ này đáng kể hơn so với những hỗ trợ an ninh trước đó một phần vì bao gồm cả các loại vũ khí tinh vi hơn, hạng nặng hơn. Quyết định được công bố chỉ vài ngày sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley dành hơn 2 giờ điện đàm với những người đồng cấp Ukraine để xem xét các yêu cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng trao đổi với người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov 2 lần trong tuần trước. Ông Reznikov đã cập nhật tình hình trên thực địa, giúp ông Austin xác định loại vũ khí Ukraine cần nhất.
Tổng thống Biden đã báo tin về gói viện trợ trong cuộc điện đàm kéo dài 58 phút từ phòng Bầu dục với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13/4. Có một loại khí tài ông Zelensky đã trực tiếp đề nghị ông Biden cung cấp là các trực thăng Mi-17. Theo một nguồn thạo tin, tính tới tối 12/4, loại trực thăng tấn công này từng không có tên trong danh sách viện trợ của Washington, vì giới chức Mỹ không rõ người Ukraine có muốn chúng hay không. Tuy nhiên, tên của Mi-17 đã được bổ sung sau khi lãnh đạo Kiev khẳng định họ rất cần chúng.
Một loại vũ khí khác Mỹ cũng lần đầu cung cấp cho Ukraine là các hệ thống lựu pháo.
Giới phân tích đánh giá, các vũ khí Mỹ sắp chuyển giao phù hợp với cuộc chiến dự kiến sẽ diễn ra ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, khu vực địa hình rộng mở hơn so với dạng cận chiến trong đô thị và rừng rậm từng xảy ra ở các khu vực xung quanh thủ đô Kiev và những thành phố khác của Ukraine. Khu vực này cũng giáp phía tây nam Nga, cho phép các lực lượng Moscow tránh được các vấn đề về duy trì, hậu cần và thông tin liên lạc từng cản trở họ như giai đoạn đầu.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby mô tả địa hình vùng Donbass "hơi giống" bang Kansas của Mỹ. "Nơi đây bằng phẳng hơn một chút, mở thoáng hơn một chút. Và đó là nơi chúng tôi đoán người Nga sẽ muốn sử dụng xe tăng và hỏa lực tầm xa, bắn pháo và tên lửa để đạt được một số mục tiêu của họ trước khi huy động lính bộ binh", ông Kirby bình luận.
Quan chức này nói, gói vũ khí mới là "một nỗ lực rất lớn nhằm mang lại cho người Ukraine mọi lợi thế có thể trong cuộc chiến sắp diễn ra". Ông lưu ý, một số hệ thống khí tài sẽ đòi hỏi binh lính Ukraine phải được huấn luyện sử dụng thêm, kể cả lựu pháo và radar chống pháo.
Ngoài ra, nhiều vũ khí của Mỹ và các đồng minh phương Tây viện trợ cho Kiev nặng và đồ sộ hơn, khiến việc vận chuyển chúng vào lãnh thổ Ukraine khó khăn hơn, đặc biệt khi Nga tuyên bố sẽ nhắm tấn công chúng. Lâu nay, Ukraine tiếp nhận các lô khí tài viện trợ ở biên giới phía tây trước khi chuyển chúng cho các lực lượng khắp đất nước.
Ông Kirby tiết lộ, Lầu Năm góc đang nỗ lực đưa vũ khí tới tay người Ukraine càng nhanh càng tốt. Trong tuần này, họ đã tổ chức một cuộc họp kín với các lãnh đạo 8 nhà thầu lớn nhất của quân đội Mỹ nhằm tìm ra cách đẩy nhanh tốc độ trang bị vũ khí cho Kiev trong khi vẫn duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ và hỗ trợ quốc phòng cho các đồng minh.
Chính quyền Biden đã phải đối mặt với áp lực từ cảng đảng Dân chủ của ông và đảng Cộng hòa về việc phải làm nhiều hơn nữa để giúp Ukraine, đặc biệt là gửi các vũ khí mạnh hơn. Song, Washington đã né tránh điều này trong nhiều tuần, vì lo ngại phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các quan chức cảnh báo, Điện Kremlin có thể coi đây là hành động leo thang hoặc là dấu hiệu cho thấy Mỹ tham chiến.
Sự e ngại rõ thấy nhất khi Washington từ chối chấp nhận đề xuất của Ba Lan về việc chuyển giao các chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine thông qua Mỹ.
Tuy nhiên, quan điểm này rõ ràng đã thay đổi cùng với phạm vi của cuộc chiến. Khi Mỹ sẵn sàng viện trợ những loại vũ khí chưa từng được chuyển giao trước đây, Lầu Năm góc khẳng định đó là một phần của cam kết "ngay từ đầu" nhằm trợ giúp Ukraine tự vệ.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay