Theo nghiên cứu mới nhất được NPD Group công bố, chiếc AirPods của Apple đang "thống trị" thị trường tai nghe không dây tại Mỹ. Kể từ ngày lên kệ vào đầu năm, AirPods đã nhanh chóng chiếm tới 85% tổng lượng tai nghe không dây được bán ra tại thị trường quê nhà của mình.

Nếu chỉ coi AirPods là tai nghe thuần túy, bạn sẽ khó có thể lý giải doanh số của sản phẩm này: AirPods có chất lượng chẳng hề vượt mặt EarPods được bán kèm iPhone nhưng lại có giá lên tới 129 USD.

Không phải vô cớ mà Apple nhấn mạnh vào trải nghiệm chứ không phải là chất âm của AirPods.

Nhưng AirPods có một giá trị mà những người chưa từng sử dụng cặp tai nghe này sẽ không bao giờ nhìn thấy: "Với tính năng đặt trọng tâm vào khả năng truy cập Siri cùng các tác vụ giọng nói một cách trơn tru, AirPods thực sự trở thành một phần mở rộng của iPhone", Ben Arnold, giám đốc NPD khẳng định.

Khi phân tích về khả năng cạnh tranh của các đối thủ khác, ông Arnold chỉ ra: "Khi các ứng dụng Alexa và các nội dung giọng nói tiếp tục phân hóa đa dạng, những chiếc tai nghe sẽ là ứng cử viên số 1 để trở thành loại phần cứng tiếp theo để tiên phong phổ cập trợ lý ảo giọng nói".

Trợ lý ảo không phải là thứ đầu tiên một người mua audio sẽ nghĩ đến. Nhưng trợ lý ảo lại là giá trị lớn nhất được AirPods mang lại, là cốt lõi giúp cho chiếc tai nghe này thành công đến vậy.

Nếu chỉ dừng ở so sánh cấu hình thì Mac sẽ không bao giờ chiến thắng.

Với những danh mục sản phẩm truyền thống, các "giá trị vô hình" của sản phẩm Táo cũng không phải là điều đầu tiên người tiêu dùng nghĩ đến, không nằm trong các phép "đong đếm" mà các đối thủ của Táo thường đưa ra.

Ví dụ, Microsoft thường đem so sánh tốc độ của Surface với MacBook tại các sự kiện phần cứng. Không cần đến Microsoft, ai cũng biết rằng nếu chỉ đem cấu hình ra so sánh thì MacBook đắt tới mức ngớ ngẩn.

Nhưng đi kèm với phần cứng siêu đắt lại là phần mềm hoàn thiện và trải nghiệm sử dụng hoàn thiện. Một trải nghiệm không dễ gây bực mình. Nếu như máy Mac vẫn luôn được các lập trình viên, các nhà thiết kế và nhiều nhóm người dùng chuyên nghiệp khác tin dùng vì hoạt động ổn định và dễ chịu thì Surface của Microsoft lại thường xuyên gặp phải những lỗi... "trời ơi đất hỡi".

Nhưng giá trị về sự ổn định và chất lượng trải nghiệm thực tế của Macbook lại áp đảo PC - theo đánh giá của chính... cha đẻ PC, IBM.

Minh chứng điển hình là vào năm 2015, Surface Book ra đời và nhanh chóng cháy hàng nhờ ý tưởng gắn card màn hình vào dock bàn phím. Một tháng sau khi lên kệ, cả Surface Book lẫn người anh em Surface Pro 4 đều gặp phải các lỗi Bluetooth, "đốt" pin, màn xanh, treo driver... Tài liệu rò rỉ từ nội bộ Microsoft cho thấy tỷ lệ người dùng trả hàng lên tới 17% trong thời gian đầu. Gã khổng lồ phần mềm thậm chí còn phải lên tiếng xin lỗi khi tung ra bản cập nhật firmware sửa lỗi đầu tiên, vốn vẫn còn... để sót lỗi quản lý pin.

Ở phía ngược lại, IBM – cha đẻ của PC và đối tác quan trọng cho sự trỗi dậy của Windows - đã thẳng thừng tuyên bố rằng dùng Mac sẽ giúp giảm 300% chi phí bảo trì IT tại tập đoàn này. "It just works" - "đơn giản là nó hoạt động tốt" là lý do Mac có thể vừa tiết kiệm chi phí cho công ty, vừa đem lại cảm giác làm việc thoải mái cho người dùng chuyên nghiệp.

Không có lõi tứ và cũng ít RAM hơn, iPhone của 2015 đánh bại Galaxy S của năm 2017 về tốc độ.

Tất cả các danh mục sản phẩm khác của Táo đều như vậy: chúng mang đến những giá trị "vô hình" mà nếu chỉ dừng ở những con số cấu hình hay những phép gán ghép phiến diện, bạn sẽ không bao giờ nhận ra. iPhone có cấu hình yếu hơn hẳn Android của ... 2 năm trước, nhưng trong thử nghiệm thực tế thì tốc độ tải app của Galaxy S8 thậm chí còn không vượt được iPhone 6s. Còn iPad, nếu muốn bạn có thể nói rằng Apple copy tầm nhìn tablet của Microsoft từ 2001. Nhưng giữa Microsoft Tablet PC và iPad, chỉ có một sản phẩm là thực sự mang giao diện tối ưu cho cảm ứng chứ không chắp vá từ những cửa sổ, nút bấm dành cho chuột và bàn phím.

Hay Apple Watch: người ta vẫn chỉ trích Apple "bắt chước" Android Wear của Google, nhưng Apple Watch mới là chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên không cố để thay thế smartphone, không nhồi nhét tính năng vào màn hình và thay vào đó dùng nút xoay, giọng nói và cảm ứng "một chạm". Apple có thể lỗi thời về tính năng, nhưng tính năng nào của Apple cũng phải mang tâm huyết tới người dùng.

Ra đời rất muộn nhưng chiếm tới 60% thị phần, chìa khóa của Apple Watch là một trải nghiệm thực sự đáng giá dành cho người dùng smartwatch.

Nhưng các antifan thì vẫn muốn nghĩ rằng chỉ các fan cuồng tín mới đi chọn trải nghiệm đắt đỏ trên phần cứng không quá mạnh mẽ, trên các ý tưởng "copy" của Apple. Sự thật hoàn toàn ngược lại: không một sự hâm mộ cuồng tín nào có thể cứu sống các hãng điện tử khi họ tạo ra những sản phẩm không có giá trị thực tế với người dùng. Cái chết Nokia, BlackBerry, Motorola hay suy thoái của Sony trong một thời gian dài là minh chứng rõ rệt cho sự thật ấy: đều là những tên tuổi được yêu quý, nhưng vẫn phải chìm vào dĩ vãng khi hết thời. Chính cả Apple cũng từng khốn đốn vì bấu víu vào một thời đại Macintosh thiếu sáng tạo và những chiếc Newton dở tệ.

Còn Táo của ngày nay thì đã khác: từ sau sự trở lại của Steve Jobs, Apple đã và đang mang đến những giá trị tuyệt vời cho những ai sẵn lòng nhìn ra ngoài những con số phần cứng dễ đánh lừa.

Theo GenK