Như đã đưa tin, hồi tháng 1/2019, được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) đã tiến hành chặt hạ cây sưa đỏ 50 năm và 130 năm tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính.

Theo nguyện vọng của người dân nơi đây, số tiền thu được sau khi bán đấu giá thành công lô gỗ này sẽ dùng để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích trên địa bàn.

Mới đây, kế hoạch bán đấu giá lần thứ 3 dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 tiếp tục phải hủy bỏ vì chỉ có 2 bộ hồ sơ đấu giá được bán ra nhưng không có cá nhân, tổ chức nào đặt cọc tiền theo quy định.

{keywords}
Lô gỗ sưa đỏ ở thôn Phụ Chính được đẽo vỏ, chỉ còn nguyên lõi để đem bán đấu giá.

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lai - tân Trưởng thôn Phụ Chính - cho biết, địa phương chưa có phương án gì hay dự kiến khi nào sẽ tổ chức đợt đấu giá tiếp theo đối với lô gỗ sưa đang nằm trong thùng container đặt ở nhà văn hóa thôn.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến lần đấu giá thứ 3 không diễn ra như mong đợi, ông Nguyễn Xuân Ngợi - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính - cho rằng, do các cá nhân, tổ chức muốn mua rẻ nên chưa ai đặt cọc.

Một lãnh đạo Ban khai thác, quản lý giám sát tài sản của cộng đồng dân cư (Ban quản lý, giám sát, sử dụng tiền bán lô gỗ sưa), nhận định nhiều khả năng vì mức giá sàn đối với lô gô sưa chưa được phù hợp nên người mua không “mặn mà”.

{keywords}
Thời điểm người dân chặt hạ 2 cây gỗ sưa đỏ, cất vào thùng container ở nhà văn hóa thôn Phụ Chính.

Theo vị lãnh đạo này, ở phiên đấu giá lần 3 vừa qua, lô gỗ sưa được chia lại làm 4 nhóm thay vì 5 nhóm như những lần trước. Nhóm gỗ đặc biệt và nhóm 1 được gộp chung, chào bán mức giá sàn là 28 triệu đồng/kg. Mức giá đối với các nhóm gỗ còn lại hầu như giữ nguyên.

“Có người mua chia sẻ với tôi rằng, giờ thị trường nhiều vấn đề tác động mà giá này (28 triệu đồng/kg - nhóm 1) cao quá. Họ bảo hồi đầu năm mà địa phương bán giá này là được” - vị lãnh đạo thông tin thêm.

Giá trị gỗ sưa đỏ là “ẩn số”?

Xuất thân từ gia đình có truyền thống 3 đời chế tác đồ gỗ mỹ nghệ, anh Ngô Quang Cường (46 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) - một chủ buôn gỗ lâu năm - cho biết từ xa xưa, gỗ sưa đỏ thường được dùng làm hiên nhà che mưa, che nắng.

Loại gỗ này còn chưa được xếp chung hàng với gỗ xoan, gỗ mít hay các loại gỗ quý hơn như nhóm gỗ “tứ thiết” đinh hương, lim, sến, táu.

Trước băn khoăn của người dân thôn Phụ Chính về giá sàn bán gỗ sưa đỏ “bị chê đắt”, anh Cường từ chối đưa ra mức giá thế nào mới phù hợp đối với loại gỗ này vì theo anh “khó có căn cứ chính xác”.

“Ngành gỗ có đặc thù riêng, ví dụ ở phía Bắc có gỗ đinh, lim, sến, táu còn trong miền Nam có gỗ hương thối, hương vân… được chia theo phân vùng và đây là một yếu tố để làm căn cứ về giá. Riêng gỗ sưa đỏ thì rải rác cả nước, chỗ nào cũng có” - anh Cường cho hay.

Theo anh Cường, gỗ sưa tại Việt Nam được chia làm 2 loại, theo màu gỗ là sưa đỏ và sưa vàng. Đa phần, những thương lái chỉ ưa chuộng gỗ sưa đỏ nên giá trị của loại gỗ này sẽ cao hơn khoảng 2 lần so với gỗ sưa vàng.

Trong giới buôn gỗ, các thương lái hầu như không biết giá trị thực của loại gỗ sưa đỏ, chỉ thấy một vài sản phẩm làm từ loại gỗ này trên thị trường. Trong đó, một số nghệ nhân dùng loại gỗ này để tạc tượng cỡ nhỏ rồi trưng bày tại nhà.

Riêng đối với các loại gỗ cẩm, trắc, các thương lái Trung Quốc sẽ thu mua với số lượng lớn, giá trị rất cao. Sau đó, họ thuê thợ chạm khắc, chế tác thành các sản phẩm như bàn, ghế… sản xuất ngay tại Việt Nam rồi lại xuất khẩu về Trung Quốc.

“Thực tế phải như vậy thì các loại gỗ mới có giá trị thực. Còn đối với gỗ sưa đỏ, theo hiểu biết của tôi thì giá trị thực gần như không có và đang là một ẩn số” - anh Cường nhận định.

Chia sẻ thêm về thành phẩm đối với gỗ trắc, cẩm…, anh Cường cho hay, bằng mắt thường, các khách hàng có thể cảm nhận rõ “tinh hoa” từ những đường vân. Các sản phẩm được tạc tượng, đục tranh từ những loại gỗ quý nêu trên rất cuốn hút người tiêu dùng.

“Riêng vân gỗ sưa đỏ là loại vân tròn. Số vòng vân này thể hiện năm tuổi của gỗ nên độ nảy vân chun không có, trong khi loại gỗ này lại cứng. Nếu sản xuất các sản phẩm tinh xảo quá nhỏ sẽ khiến gỗ bị nứt” - anh Cường chia sẻ thêm kinh nghiệm.

Sau 8 năm chờ đợi, hồi cuối năm 2018, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đã được các cơ quan có liên quan cho phép  khai thác nốt số gỗ sưa đỏ quý hiếm để phục vụ mục đích chung của thôn.

Người dân nơi đây kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng.

Năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sưa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.

Mãi đến tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Cuối tháng 1/2019, người dân địa phương đã chặt hạ, khai thác cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính. Đồng thời, một cây sưa đỏ cổ thụ khác, nằm cạnh “cây sưa trăm tỷ” cũng được người dân tiến hành khai thác.

(Theo Dân trí)