Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai, cho biết, Lào Cai sẽ không dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào. Vì khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi.
Ông Duy khẳng định, Lào Cai không có đào rừng chỉ có đào trồng ở vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.
"Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ NN-PTNT, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo kiểm lâm ở cơ sở giám sát việc đó", ông Duy nói.
Theo lời vị Giám đốc Sở NN-PTNT, việc dán tem truy xuất còn liên quan đến trình tự thủ hồ sơ phức tạp và người dân đi làm thủ tục hồ sơ trong dịp Tết thì không kịp, quan trọng là để người dân khi có sản phẩm và được tiêu thụ thuận lợi.
Đào Lào Cai thường được trồng trong vườn nhà. Ảnh: V.T |
Theo tìm hiểu của PV, đào vùng cao do tác động của sương mù ẩm ướt nên địa y phát triển, tạo vẻ rêu mốc, cổ kính; đào lớn nhanh, chỉ 4-5 năm là bắt đầu cho khai thác, tuổi thọ của cây đào không cao, lớp địa y bám bên ngoài thân vỏ hút chất dinh dưỡng còn khiến tuổi thọ của đào giảm theo.
Ngày 18/1, ông Hà Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết: "Trên địa bàn bà con trồng đào rất nhiều, chủ yếu là trồng ăn quả rồi tận dụng bán để bán hoa, bán gốc. Tuy nhiên năm nay cây đào ở khu vực này đã nở trước đây 1 tháng, đối với những cây còn lại thì vào đợt rét vừa qua có băng tuyết cũng đã bị hỏng hết rồi".
Tại văn bản Số 273/VPCP-NN ngày 12/1/2021 của Văn Phòng Chính Phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2021 thể hiện, sau khi xét đề nghị của Bộ NN-PTNT tại văn bản số 9027/TTr-BNN-TCLN ngày 22/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không sử dụng, trưng bày sản phẩm khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, các hoạt động: Khai thác, mua bán, vận chuyển, sử dụng, tiêu thụ các loài thực vật rừng khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, săn, bắt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng trái pháp luật,... trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Giao Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện văn bản này, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ khai thác từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Trước đó, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.
UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh, qua rà soát cho thấy, diện tích cây đào trồng trên 5.000ha, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà, cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán.
(Theo Lao Động)