Trước khi tới Helsinki (Phần Lan) gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump đầu tuần tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có các cuộc họp cấp cao tại Nga với một loạt nhà lãnh đạo Trung Đông.

Các nhà lãnh đạo Trung Đông bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ali Akbar Velayati, phụ tá chính sách đối ngoại của Lãnh đạo Tối cao Iran. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng sẽ đến Moscow để xem trận chung kết World Cup vào tối 15/7, đồng thời dự kiến gặp người đồng cấp Putin. Tamim bin Hamad Al Thani - Tiểu vương Qatar cũng xác nhận tới Moscow dự lễ bế mạc World Cup song không tiết lộ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo nước Nga hay không.

{keywords}
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trái, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 11/7. Ảnh: Văn phòng truyền thông Israel.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Đông đổ xô tới Nga trước thềm Thượng đỉnh Trump -Putin, truyền thông nghi ngờ một thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Nga, liên quan đến việc tái cân bằng quyền lực ở Trung Đông, có thể được đưa ra sau khi đàm phán Helsinki kết thúc và các quốc gia trong khu vực đang chạy đua để đảm bảo lợi ích của nước mình.

Theo Grigory Lukyanov - nhà phân tích Trung Đông và giảng viên cao cấp tại Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, một kịch bản như vậy là có thể, nhưng rất khó xảy ra, bởi vì nó sẽ không phù hợp với các chính sách hiện tại của Nga ở Trung Đông.

"Xuất hiện lo ngại từ chính quyền Damascus và Tehran cho rằng chính sách đối ngoại của Nga trong những năm qua có thể thay đổi. Khi theo đuổi thỏa thuận toàn cầu với Mỹ, Nga sẽ hy sinh những thành tựu và lợi ích của Trung Đông”, chuyên gia Grigory giải thích với kênh truyền hình RT.

Đặc biệt mối lo ngại này lại càng mạnh mẽ trong giới chính trị Iran, những người coi Moscow như một đối tác không đáng tin và tìm kiếm lợi ích không phù hợp với lợi ích của Tehran. 

Tuy nhiên, theo Sergey Balmasov - một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm khủng hoảng, mọi người không nên đánh giá cao đề nghị Tổng thống Trump có thể đưa ra tại Hội nghị Helsinki mà khiến Nga có thể thay đổi chính sách.  

“Nước Mỹ giống như một cô nàng xinh đẹp giàu có nhưng đỏng đảnh. Ngày hôm nay, bạn tán tỉnh cô ấy nhưng ngày hôm sau, mối quan hệ giữa cô nàng và anh chàng Iran lại bị tiết lộ. Những người làm trong Bộ Ngoại giao Nga nhận thức rõ điều này. Và rõ ràng, các vấn đề toàn cầu hiện nay không thể giải quyết chỉ trong chớp mắt như kiểu thời nhà lãnh đạo Gorbachev”, ông Balmasov giải thích.

Nhà phân tích Balmasov cho rằng chính sự tham gia của Nga tại Syria là đòn bẩy khiến vị thế của Moscow trong sân chơi chính trị khu vực Trung Đông thay đổi. Chuyên gia Grigory đồng ý rằng Moscow sẽ không giành được gì từ việc đứng hoàn toàn về phía một trong hai bên liên quan đến Trung Đông. Chính sách hiện tại của Nga trong khu vực là chơi trò chơi của riêng mình trong khi cân nhắc lợi ích của những người chơi khác. Chuyên gia Grigory tin rằng cuộc gặp mặt với Thủ tướng Netanyahu và ông Velayati có nhiều khả năng giúp Tổng thống Putin cập nhật vị thế của Israel và Iran trong Trung Đông.

Tại thời điểm này, Nga có vị thế nổi bật hơn ở Trung Đông, nhưng vai trò vẫn còn hạn chế so với những bên chơi khác.

“Điểm mạnh của Nga hiện nay là khả năng và sự sẵn lòng đề nghị giải pháp cho các vấn đề an ninh. Trong khi Mỹ tỏ rõ thất bại trong vấn đề đó đối với trường hợp Iraq và một số nơi khác. Nhưng Nga không thể và cũng không tìm cách thay thế Mỹ như một đối tác thương mại chính cho các quốc gia Trung Đông. Nga cũng không tìm cách thay thế Trung Quốc hay châu Âu. Giải quyết các vấn đề an ninh đòi hỏi đối thoại mang tính xây dựng với các bên liên quan”, chuyên gia Grigory giải thích. 

Theo Báo Tin tức/TTXVN