Iran – Trung Quốc: “Đối tác chiến lược không thể thiếu nhau được”
Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có những căng thẳng về địa chính trị, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ "đầu hàng" trước chương trình nghị sự của Washington nhằm cô lập Tehran. Trên thực tế, Trung Quốc thậm chí còn công khai phá vỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ lên Iran bằng cách tiếp tục mua dầu từ nước cộng hòa Hồi giáo này.
Một số nhà quan sát thậm chí còn dự đoán rằng sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc có thể "cứu" Iran khỏi sức ép từ chính quyền Tổng thống Trump.
"Iran là nhân tố then chốt trong kế hoạch của Trung Quốc cũng như việc các kế hoạch của Bắc Kinh có ảnh hưởng quan trọng đến số phận của khu vực Á - Âu", nhà bình luận Robert Kaplan gần đây đã bày tỏ quan điểm trên New York Times.
Từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và khách hàng dầu mỏ hàng đầu của Iran, đồng thời mở rộng việc buôn bán vũ khí với nước cộng hòa Hồi giáo này nhằm cân bằng về mặt địa chiến lược với Mỹ. Những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã xác định Iran là một trong những quốc gia quan trọng nhất kết nối khu vực Á - Âu qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Đây là sáng kiến được đưa ra dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mục tiêu cuối cùng là tái cấu trúc hệ thống các quy tắc thương mại và hoạt động đầu tư toàn cầu theo hướng có lợi hơn cho Bắc Kinh. Chiến lược này cũng nhằm củng cố quyền lực mềm và sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên lục địa Á-Âu.
Một số nhà quan sát cho rằng sự hợp tác Iran-Trung Quốc được củng cố từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Tehran của ông Tập vào tháng 1/2016. Hai nước này đã nhất trí mở rộng hoạt động thương mại tới 600 tỷ USD trong vòng 10 năm, đồng thời xây dựng sự hợp tác mạnh mẽ hơn như một phần trong kế hoạch 25 năm. Ngoài thương mại, Trung Quốc còn là nhà đầu tư hàng đầu vào thị trường Iran. Khoảng 100 công ty lớn của Trung Quốc đã đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng của Iran, đặc biệt là năng lượng và giao thông vận tải.
Ngoài ra, mặc dù thiếu một số công nghệ tiên tiến như các công ty phương Tây song các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã trở thành những nhà phát triển quan trọng trong các mỏ dầu và khí tự nhiên ở Iran, nơi được cho là có nguồn dự trữ khí lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Nga) và là một trong những nguồn dự trữ dầu thô lớn trên thế giới.
Theo như lời của Ngoại trưởng Iran Zarif, Trung Quốc và Iran là những "đối tác chiến lược không thể thiếu nhau được" trên nhiều phương diện. Chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, ông Zarif kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc để "cứu" thỏa thuận này. Nhà ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một ví dụ tiêu biểu cho thấy chủ nghĩa đơn phương của Mỹ nguy hiểm như thế nào với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc hiện nay.
Tình bạn lâu dài?
Mặc dù cùng có căng thẳng với Mỹ song hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thực sự đứng về phía Iran hay chỉ đơn giản là một "bên trung gian có trách nhiệm" trong căng thẳng giữa Tehran và Washington. Theo nhà phân tích Alex Vatanka nhận định trên trang Foreign Policy, Trung Quốc chỉ đơn giản coi Iran là một quân bài thay vì là một người bạn thân thiết đồng cam cộng khổ. Bắc Kinh sẽ lấp đầy khoảng trống thương mại và đầu tư khi các công ty phương Tây rời Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ lợi dụng căng thẳng này để tăng cường ảnh hưởng và tiếng nói trong khu vực với quan điểm rằng chủ nghĩa đa phương là biện pháp giải quyết các căng thẳng Trung Đông.
Theo tạp chí thương mại Petroleum Economist, Trung Quốc dự định đầu tư 280 triệu USD vào các ngành dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của Iran. Đổi lại, nước này sẽ có thể mua các sản phẩm năng lượng từ Tehran với giá rẻ hơn.
Dù bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề song có một thực tế là Trung Quốc không muốn Trung Đông trở thành một "thùng thuốc súng" bởi xung đột nổ ra sẽ làm gián đoạn nguồn nhập khẩu năng lượng của nước này.
Một lý do nữa cho thấy quan hệ Iran - Trung Quốc mặc dù luôn được 2 bên ngợi ca là "đối tác chiến lược" hay "không thể thiếu nhau được" song sẽ không thể tiến xa hơn bởi ngoài Iran, Trung Quốc còn có quan hệ với các quốc gia khác ở Trung Đông, trong đó có cả những "kẻ thù" của Tehran như Israel và Saudi Arabia. Năm 2017, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thậm chí đã tuyên bố rằng quan hệ đối tác Israel - Trung Quốc là "một đám cưới thiên đường".
Trung Quốc có cách tiếp cận riêng với Trung Đông. Hiện nay, Bắc Kinh nỗ lực tránh xa những căng thẳng trong khu vực và tránh thực hiện các động thái thể hiện nước này nghiêng về bên nào.
Về phía Iran, nước này cũng khong mong đợi Trung Quốc sẽ đứng về phía mình để chống lại Mỹ. Nếu như Bắc Kinh sẽ luôn thận trọng trong từng đường đi nước bước với "quân cờ Iran" thì Tehran chỉ mong rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục bởi điều đó đem đến cho nước này những cơ hội mới.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, những ảnh hưởng ngắn hạn từ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 của Washington cũng rất phức tạp. Do tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ mà Iran sẽ có ít ngân sách hơn để mua hàng hóa Trung Quốc, đồng thời có thể khiến nước cộng hòa Hồi giáo này nối lại chương trình hạt nhân và gia tăng nguy cơ xung đột quân sự ở Vịnh Ba Tư – một điều rõ ràng đe dọa đến nguồn dầu mỏ nhập khẩu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cũng do các lệnh trừng phạt mà Iran sẽ cần nhiều khoản vay và nhiều khoản đầu tư hơn từ phía Trung Quốc, đồng thời sẽ sẵn sàng bán hạ giá dầu cho Bắc Kinh.
Iran cần Trung Quốc, không phải chỉ nhằm đối phó với Mỹ mà còn để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt, song Tehran sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc, dù luôn cố gắng giữ lập trường trung lập ở Trung Đông song nước này cũng cần thị trường và năng lượng để phát triển kinh tế. Do đó, Iran sẽ là một "ca khó" với Bắc Kinh, như một nhà ngoại giao Pháp từng nói "dù trừng phạt hay không trừng phạt, Iran vẫn là một trường hợp khó giải quyết".
Trong một môi trường quốc tế "không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn", mối quan hệ giữa Iran và Trung Quốc không chỉ được quyết định bởi việc cả 2 đều có 1 kẻ thù chung là Mỹ mà còn bởi việc mỗi bên sẽ nhìn nhận những lợi ích dài hạn của mình khi hợp tác với đối phương như thế nào.
Theo vov.vn